WordPress là nền tảng tạo website được sử dụng phổ biến nhất hiện nay phù hợp cho cả người dùng biết lập trình hay kể cả không biết gì về lập trình. Vậy bạn đã biết nền tảng nổi tiếng này chưa, cụ thể: “WordPress là gì?”. Hiểu rõ về WordPress sẽ giúp bạn tận dụng được tối đa tiềm năng của CMS này. Cùng đọc bài viết này để hiểu về WordPress một cách tường tận nhé!
WordPress là gì?
WordPress là hệ thống quản trị nội dung (CMS) mã nguồn mở ra mắt vào năm 2003. CMS này được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL.
CMS miễn phí và dễ sử dụng này giúp người dùng có thể tạo và quản lý website từ đơn giản đến phức tạp, từ website cá nhân đến website cho một tổ chức. Ví dụ như: Blog cá nhân, Portfolio, Diễn đàn thảo luận, Cổng thông tin, Website bán hàng, Website giới thiệu doanh nghiệp, Website báo chí, Website thương mại điện tử,… Do đó, không chỉ những lập trình viên mà cả những người dùng bình thường cũng có thể tạo trang web WordPress chỉ trong khoảng thời gian ngắn tìm hiểu về nền tảng.
Các trang web nổi tiếng nào đang sử dụng WordPress?
Hiện nay, WordPress được tin dùng và sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới, đặc biệt với các công ty nhỏ đến vừa. Với các công ty lớn có tiếng, WordPress thường được sử dụng trong một số phần của website hoặc thậm chí cả website. Ví dụ:
- Trang chính phủ của Nhà Trắng đang sử dụng WordPress cho toàn website.
- NASA – một cơ quan chính phủ liên bang Hoa Kỳ đang sử dụng nền tảng WordPress cho website của họ.
- Thương hiệu nước ngọt Coca-Cola đang sử dụng WordPress cho một số trang web khu vực.
- The Walt Disney Company đang sử dụng WordPress để quản lý nội dung và cho một số phần của website.
- Nhật báo The New York Times đang sử dụng WordPress cho blog và một số phần khác của website.
- Website đấu giá trực tuyến eBay đang sử dụng WordPress cho một số trang web bán hàng.
- Công ty âm nhạc Sony Music đang sử dụng WordPress cho blog và một số trang web nghệ sĩ của họ.
Lịch sử hình thành và chặng đường phát triển của WordPress
Lịch sử hình thành của WordPress
Vào ngày 27/05/2003, phiên bản đầu tiên của WordPress là WordPress 0.7 chính thức được phát hành với sự hợp tác của Matt Mullenweg và Mike Little. Ý tưởng phát triển WordPress của họ bắt nguồn từ sự kết thúc của dự án phát triển công cụ viết blog có tên là B2/Cafelog của nhà phát triển Michel Valdrighi vào năm 2002. Khi dự án B2 ngừng phát triển, Matt Mullenweg và Mike Little đã quyết định tiếp tục phát triển dự án đó. Từ đó, họ bắt tay vào phát triển một nền tảng blog cải tiến với tên gọi mới là WordPress trên nền tảng sẵn có của B2/Cafelog. Cụ thể, họ đã sử dụng mã nguồn của B2 làm cơ sở và bắt đầu cải tiến, phát triển thêm các tính năng mới để tạo ra một nền tảng blog tốt hơn và linh hoạt hơn. WordPress chính là phiên bản kế nhiệm chính thức của B2/Cafelog.
Chặng đường phát triển của WordPress
- Năm 2004:
- WordPress giới thiệu hệ thống Plugin Architecture cho phép người dùng mở rộng và tùy chỉnh các tính năng dễ dàng, không cần thay đổi mã nguồn gốc của hệ thống. Đây cũng là yếu tố chính giúp WordPress trở nên mạnh mẽ và linh hoạt.
- Phiên bản 1.2 của WordPress ra đời kèm với tính năng plugin mới đã đưa nền tảng này trở nên phổ biến hơn.
- Năm 2005: Hệ thống theme ra đời giúp người dùng có nhiều sự lựa chọn cho giao diện website của họ.
- Năm 2007: WordPress giành giải thưởng Packt Open Source CMS Award. Giải thưởng này đã giúp WordPress có thêm danh tiếng và củng cố thêm vị thế cho WordPress.
- Năm 2010: WordPress phát hành phiên bản 3.0 với các tính năng mới giúp mở rộng đáng kể khả năng sử dụng WordPress. Giờ đây, WordPress không chỉ dùng để xây dựng blog mà còn có thể tạo các loại website khác nhau. Sau môt quá trình phát triển không ngừng, WordPress đã chuyển mình từ một nền tảng blog đơn giản thành một hệ thống quản lý nội dung toàn diện.
- Năm 2013: WordPress chiếm hơn 20% tổng số trang web trên toàn cầu và trở thành CMS phổ biến nhất thế giới.
- Năm 2015: WordPress giành giải thưởng “CMS tốt nhất cho trang web cá nhân” của tổ chức CMS Critic. Giải thưởng này đã củng cố vị thế của WordPress như một lựa chọn hàng đầu cho các cá nhân muốn xây dựng trang web cho riêng mình.
- Năm 2018: WordPress ra mắt trình soạn thảo Gutenberg kiểu block (hiện tại) mang đến trải nghiệm soạn thảo nội dung hiện đại và trực quan hơn.
- Năm 2021 cho đến hiện nay: WordPress chiếm hơn 40% thị phần của tất cả các trang web trên toàn thế giới. WordPress giờ đây được hàng triệu trang web trên toàn thế giới sử dụng, từ các blog cá nhân đến các trang web của các doanh nghiệp lớn và cơ quan chính phủ.
Sự thành công của WordPress còn nhờ vào sự đóng góp của đông đảo cộng đồng nhà phát triển tạo nên một WordPress linh hoạt, dễ sử dụng và khả năng tùy biến vô cùng mạnh mẽ.
Ưu và nhược điểm của WordPress
Ưu điểm
1. Dễ sử dụng
WordPress hướng đến là một CMS phục vụ cho cả những đối tượng không có nhiều kiến thức về lập trình. Vì thế, WordPress cung cấp giao diện trực quan, thân thiện giúp người dùng dễ tạo, sử dụng và quản lý trang web. Ưu điểm này không chỉ có lợi cho người dùng mà cả với những công ty thiết kế website. Sau khi đã thiết kế xong những trang web phức tạp theo yêu cầu của khách hàng, các công ty thiết kế web có thể dễ dàng hướng dẫn khách hàng cách quản lý website trong tương lai. Khách hàng vừa có website ưng ý vừa có thể tự chủ về website của mình.
2. Linh hoạt và dễ dàng mở rộng
WordPress là nền tảng mã nguồn mở nên các lập trình viên có thể tuỳ chỉnh nhiều tính năng khác nhau theo nhu cầu của họ, tạo ra nhiều loại trang web khác nhau và mở rộng trang web bất cứ khi nào họ cần. Nếu bạn không biết lập trình thì cũng không sao cả. Hàng nghìn theme và plugin miễn phí và trả phí sẽ giúp bạn dễ dàng bổ sung các tính năng bạn mong muốn và tuỳ chỉnh giao diện web.
3. Cộng đồng nhà phát triển và người dùng lớn
WordPress là dự án phi lợi nhuận được hỗ trợ bởi một cộng đồng lớn các nhà phát triển tình nguyện trên toàn thế giới. Họ đã đóng góp phát triển, cập nhật, tìm kiếm và báo cáo các lỗ hổng bảo mật kịp thời, mang lại một WordPress tốt và an toàn cho người dùng. Và với cộng đồng người dùng lớn, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu về kiến thức sử dụng WordPress, diễn đàn chia sẻ về WordPress và tìm người hỗ trợ website khi cần.
4. Hỗ trợ SEO cho website
WordPress được xây dựng với cấu trúc HTML sạch và dễ đọc, mã nguồn thân thiện với các công cụ tìm kiếm. Các yếu tố này hỗ trợ tối ưu hóa SEO về mặt kỹ thuật cho website. Ngoài ra, WordPress còn cung cấp nhiều plugin hỗ trợ SEO giúp bạn dễ dàng cải thiện SEO cho website của mình.
5. Chi phí thấp
Chi phí để bắt đầu với WordPress khá thấp vì bạn có thể dùng theme và plugin miễn phí để tạo website. Nếu bạn cần nhiều hơn thế, bạn có thể dùng theme và plugin trả phí để có thể bổ sung các tính năng nâng cao và sử dụng các theme độc đáo hơn cho website. Hoặc bạn cũng có thể dễ dàng tìm kiếm lập trình viên thiết kế trang web theo yêu cầu của bạn hoặc phát triển các trang web phức tạp với chi phí thấp hơn so với các nền tảng ít phổ biến hơn.
6. Tích hợp với nhiều dịch vụ từ bên thứ ba
Nền tảng WordPress là nền tảng CMS phổ biến nhất hiện nay nên có rất nhiều dịch vụ từ bên thứ ba hỗ trợ tích hợp với WordPress. Người dùng có thể dễ dàng bổ sung các tính năng mà WordPress hiện chưa có (như thanh toán trực tuyến), cải thiện hiệu suất cho website (như dịch vụ CDN, dịch vụ lưu trữ đám mây,…) và tăng cường bảo mật (như tường lửa).
Nhược điểm
Tuy rằng người dùng không biết về lập trình có thể sử dụng WordPress nhưng bạn cũng cần trang bị một số kiến thức nền tảng để sử dụng WordPress đúng cách. Nếu không sẽ rất dễ phát sinh các lỗi ảnh hưởng đến website như:
- Không tối ưu website tốt (như tối ưu hình ảnh, mã nguồn hoặc sử dụng caching) khiến website chạy chậm.
- Không chủ động cập nhật WordPress, theme và plugin, đồng thời sử dụng các biện pháp bảo mật bổ sung để bảo vệ website khiến website dễ bị tấn công.
- Phụ thuộc vào quá nhiều plugin khiến website chạy chậm và có thể gây ra xung đột giữa các plugin.
- Cài plugin hay theme không uy tín, từ các nguồn không rõ ràng vào website, vô tình chèn mã độc vào website khiến website bị hack, dính virus.
Nếu bạn cần một website phức tạp thì tự tạo website bằng WordPress sẽ không còn khả thi. Lúc này, các dịch vụ thiết kế website mới có thể đáp ứng yêu cầu của bạn. Các lập trình viên sẽ lập trình các tính năng theo đúng yêu cầu của bạn giúp website nhẹ và tải nhanh hơn so với việc sử dụng plugin. Các plugin chỉ tiện lợi và hữu ích với các website đơn giản. Với các website phức tạp, sử dụng quá nhiều plugin khiến website rất nặng dẫn đến trang web tải chậm và nhiều hệ luỵ khác như ảnh hưởng đến SEO và trải nghiệm người dùng.
Thêm vào đó, WordPress cần được thực hiện bảo trì thường xuyên như cập nhật phần mềm, sao lưu dữ liệu và tối ưu hóa hiệu suất. Việc này khá tốn thời gian và còn có thể phức tạp với một số người dùng.
Những hiểu lầm phổ biến về WordPress
1. WordPress chỉ dùng để làm blog
Khi đã đọc đến đây, có lẽ bạn đã có câu trả lời đúng cho hiểu lầm này rồi đúng không nào? Trong phần Chặng đường phát triển của WordPress ở trên, Puramu đã đề cập:
Năm 2010: WordPress phát hành phiên bản 3.0 với các tính năng mới giúp mở rộng đáng kể khả năng sử dụng WordPress. Giờ đây, WordPress không chỉ dùng để xây dựng blog mà còn có thể tạo các loại website khác nhau. Sau môt quá trình phát triển không ngừng, WordPress đã chuyển mình từ một nền tảng blog đơn giản thành một hệ thống quản lý nội dung toàn diện.
Thực ra, quá trình WordPress chuyển đổi từ một nền tảng blog đơn giản sang một hệ thống quản lý nội dung toàn diện là một quá trình diễn ra dần dần qua nhiều phiên bản. Cụ thể là từ năm 2005, WordPress ra mắt phiên bản 1.5 đã đặt nền móng cho khả năng trở thành CMS toàn diện sau này. Năm 2010, với sự ra mắt của phiên bản 3.0 đã đánh dấu bước tiến lớn cho quá trình này. Trước năm 2010, người dùng vẫn có thể tạo nhiều loại website khác nhau bằng WordPress nhưng còn khá hạn chế. Phải cho đến năm 2010, việc tạo các trang web mới không còn nhiều hạn chế. Từ đó đến nay, WordPress đã tiếp tục mở rộng khả năng này, làm cho việc tạo và quản lý các loại trang web khác nhau ngày càng dễ dàng và linh hoạt hơn.
2. WordPress không an toàn
WordPress sẽ không an toàn nếu bạn cấu hình server chưa đúng cách; chọn hosting không uy tín; cài plugin hay theme từ các nguồn không rõ ràng; không cập nhật WordPress, plugin và theme thường xuyên; không sử dụng các biện pháp bảo mật cho WordPress. Điều này không chỉ xảy ra với WordPress mà với tất cả các nền tảng web. Nếu website không được bảo vệ đúng cách thì đều có thể bị tấn công. WordPress có một đội ngũ bảo mật và thường xuyên phát hành các bản cập nhật phiên bản WordPress có chứa bản vá lỗ hổng bảo mật. Việc của bạn là thực hiện đủ và đúng các vấn đề trên, WordPress sẽ vô cùng an toàn!
3. WordPress chậm và không thể xử lý lưu lượng lớn
Hiểu lầm về WordPress chậm và không thể xử lý lưu lượng lớn thường xuất phát từ việc triển khai và quản lý website không hiệu quả, chứ không phải do hạn chế của bản thân nền tảng. Chỉ cần bạn tối ưu hoá WordPress đúng cách, WordPress sẽ tải nhanh và có thể xử lý lưu lượng truy cập lớn hay dung lượng cơ sử dữ liệu lớn. Các biện pháp tối ưu hoá bạn cần áp dụng để tăng hiệu suất xử lý của WordPress như:
- Quản lý và tối ưu tốt cơ sở dữ liệu và hình ảnh
- Sử dụng caching
- Sử dụng CDN
- Cấu hình server phù hợp
- Chọn hosting chất lượng cao, tốt nhất là managed WordPress hosting.
Vì vậy, WordPress hoàn toàn có thể xử lý lưu lượng lớn và phù hợp với các trang web lớn và phức tạp. Nhiều trang web lớn có lưu lượng cao sử dụng WordPress như: TechCrunch, The New Yorker, BBC America nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.
4. WordPress miễn phí nên không chuyên nghiệp
Thực tế, các sản phẩm và dịch vụ miễn phí hay giá rẻ thường có chất lượng không được tốt. Tuy nhiên, WordPress không nằm trong trường hợp đó. WordPress là nền tảng mã nguồn mở được đóng góp bởi cộng đồng phát triển lớn giàu kinh nghiệm. Họ phát triển, cập nhật và cải tiến WordPress liên tục đảm bảo WordPress luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và chuyên nghiệp. Nếu như so sánh WordPress với các nền tảng trả phí thì WordPress có nhiều tính năng đa dạng và khả năng mở rộng cao hơn. Do vậy nên WordPress không những phổ biến mà còn được nhiều tổ chức lớn và uy tín trên toàn cầu tin tưởng sử dụng.
5. Tất cả các website WordPress đều giống nhau
WordPress hiện đang cung cấp hơn 59.000 plugin và hơn 12.000 theme miễn phí trong thư viện. Vì thế, người dùng WordPress có rất nhiều sự lựa chọn về layout giao diện website hay các tính năng trên website. Hầu hết các theme đều cho phép tùy chỉnh màu sắc, font chữ, bố cục. Thêm vào đó, mỗi theme còn có thiết kế và bố cục riêng, chưa kể còn có theme và plugin trả phí. Ngoài ra, với lập trình viên, họ còn có thể tạo giao diện và tính năng riêng biệt theo ý mình, đảm bảo mang đến sự khác biệt cho mỗi website. Vì vậy, các website WordPress giống nhau có thể có nhưng rất ít. Điều này chỉ xảy ra khi người dùng chọn cùng một theme và plugin mà không tuỳ chỉnh gì cả.
6. WordPress.com và WordPress.org giống nhau
WordPress.com và WordPress.org không hề giống nhau. Cách thức hoạt động và mục đích sử dụng của hai nền tảng này không giống nhau mặc dù cả hai đều sử dụng cùng một phần mềm cốt lõi là WordPress. Dưới đây là so sánh ngắn gọn về hai nền tảng này:
- WordPress.org là phần mềm mã nguồn mở miễn phí. Còn WordPress.com là dịch vụ lưu trữ web có cả gói miễn phí và trả phí.
- WordPress.org cho phép người dùng kiểm soát và tuỳ chỉnh mọi thứ trên website. Còn WordPress.com thì ngược lại, mọi thứ đều sẽ có hạn chế nhất định.
- Sử dụng WordPress.org cần nhiều kiến thức và mất nhiều thời gian hơn so với sử dụng WordPress.com.
Để tìm hiểu sâu hơn về hai nền tảng này hay bạn đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Nên sử dụng WordPress.com hay WordPress.org?”, hãy đọc bài này nhé!
Puramu đã cung cấp gần như là đầy đủ các thông tin về WordPress. Bạn đã tự tin trả lời câu hỏi: “WordPress là gì?” chưa nào? Có thể với một số bạn, thông tin trong bài vẫn chưa đủ với bạn nhưng không sao. Bạn còn thắc mắc gì về WordPress thì đừng ngần ngại nói cho Puramu biết nhé! Puramu sẽ giải đáp cho bạn trong thời gian sớm nhất có thể. Ngoài ra, bạn còn có thể tham khảo thêm các bài viết khác về WordPress của Puramu trong phần Bài viết liên quan ở ngay bên dưới.