Kiến thức

Theme là gì? Hướng dẫn cài đặt theme WordPress

Cập nhật lần cuối:

Puramu đã giới thiệu cho bạn về nền tảng Wordpress và plugin WordPress ở các bài trước. Tiếp nuối chuỗi bài viết khám phá về WordPress, hôm nay Puramu sẽ giới thiệu về 1 thành phần nữa quan trọng không kém trong quá trình phát triển website WordPress. Đó chính là Theme WordPress – một công cụ thiết kế giao diện cho website WordPress. Hãy cùng khám phá Theme WordPress là gì và cách cài đặt Theme WordPress trong bài viết này nhé!

Theme là gì?

Trong website, theme chính là giao diện của website. Theme website sẽ thể hiện style của website và làm nổi bật màu sắc chủ đạo của thương hiệu. Theme sẽ bao gồm: Màu sắc, bố cục, font chữ, cấu trúc website,… Bên cạnh đó, theme cần phù hợp với nội dung và lĩnh vực website đang kinh doanh. Ví dụ: Website kinh doanh túi hiệu thì theme cần sang trọng, website thời trang nữ thì theme cần nhẹ nhàng và tinh tế,…

Lựa chọn theme cho website tương tự như khi trang trí ngôi nhà. Bạn muốn ngôi nhà của bạn toát lên điều gì, bạn sẽ chọn màu sơn và cách bố trí đồ đạc trong nhà phù hợp với điều đó. Theme được coi như bộ mặt của website. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc thật kỹ khi chọn theme để website trông thật đẹp mắt và thu hút khách hàng tiềm năng nhé!

Vậy còn Theme WordPress là gì?

Theme WordPress là một bộ giao diện được thiết kế sẵn cho website WordPress. Các Theme WordPress sẽ cung cấp đa dạng các layout và bố cục cho nhiều loại website khác nhau mà bạn có thể tuỳ chỉnh mà không cần phải biết code. Theme WordPress chỉ sử dụng cho website chạy trên nền tảng WordPress.

Theme WordPress là gì?
Theme WordPress là gì?

Bên cạnh việc thay đổi layout cho website, theme WordPress còn tích hợp thêm một số tính năng đi kèm như:

  • Widget: Cung cấp các tiện ích được thêm vào sidebar, footer,… của website.
  • Plugin: Tích hợp các plugin hỗ trợ hoạt động của website như WooCommerce cho website thương mại điện tử, Yoast SEO giúp tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, Contact Form 7 giúp tạo biểu mẫu liên hệ,…
  • Công cụ bổ trợ: Một số theme đi kèm với các công cụ hữu ích như trình tạo trang kéo và thả, bộ lọc sản phẩm cho website bán hàng, tạo Fullscreen video background,…

Theme miễn phí khác gì với theme trả phí?

Theme miễn phí khác gì với theme trả phí?
Theme miễn phí khác gì với theme trả phí?

Khác với theme miễn phí, để sử dụng theme trả phí, bạn phải trả một khoản phí dao động từ vài chục đến vài trăm đô tuỳ vào tính năng và độ phức tạp của theme. Song song đó, bạn sẽ được sử dụng các layout khác biệt, ít đụng hàng, khả năng tuỳ chỉnh cao hơn và nhiều tính năng nâng cao cho website. Ngược lại, các theme miễn phí có điểm chung là ít các tính năng và khả năng tuỳ chỉnh bị giới hạn nên layout website khó có thể nổi bật hoặc thậm chí là không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, theme trả phí thường được cập nhật thường xuyên để đảm bảo tương thích với phiên bản mới nhất của WordPress. Dĩ nhiên, bản cập nhật cũng sẽ khắc phục các lỗi đang có và còn cải tiến các tính năng, bảo mật. Ngược lại, theme miễn phí có thể ít được cập nhật thường xuyên hơn. Do đó, các vấn đề về tương thích và bảo mật có thể xảy ra cao hơn.

Các nhà phát triển thường đầu tư vào theme trả phí nhiều hơn so với các theme miễn phí. Các theme trả phí được phát triển và trải qua giai đoạn test một cách kỹ lưỡng trước khi phát hành. Còn chất lượng của các theme miễn phí thường sẽ không đồng đều. Có một số theme rất tốt nhưng một số khác lại không chuyên nghiệp và uy tín. Vì thế, bạn cần tìm hiểu kĩ trước khi sử dụng theme miễn phí để tránh rủi ro không đáng có cho website của mình.

6 vấn đề thường gặp khi sử dụng theme và cách khắc phục

1. Thiếu tính năng cần thiết

Mỗi doanh nghiệp sẽ có những đặc thù kinh doanh riêng. Mặc dù, theme cung cấp nhiều lựa chọn giao diện, cấu trúc và tính năng hỗ trợ phù hợp với nhiều lĩnh vực website khác nhau nhưng nó không thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu của mọi website. Bạn nên hiểu rằng, theme chỉ có thể đáp ứng những yêu cầu nổi bật và chiếm phần lớn trong từng ngành cụ thể.

Vì thế, nếu bạn có một nhu cầu cấp thiết nhưng không có theme hay plugin nào đáp ứng được thì bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị thiết kế website theo yêu cầu uy tín. Họ sẽ phát triển các tính năng tuỳ chỉnh phù hợp với nhu cầu của website bạn lúc bấy giờ.

2. Xung đột plugin

Vấn đề xung đột plugin là vấn đề xảy ra phổ biến nhất với người dùng WordPress. Khi plugin và theme không tương thích với nhau, chúng sẽ gây lỗi cho website. Để biết chính xác plugin nào là tác nhân gây lỗi, bạn cần vô hiệu hoá tất cả plugin và sau đó kích hoạt lại từng cái một để tìm ra nguồn gây xung đột. Bạn cũng cần đảm bảo rằng tất cả plugin và theme của bạn đều được cập nhật lên phiên bản mới nhất.

Xung đột theme và plugin
Xung đột theme và plugin

3. Lỗi sau khi tùy chỉnh theme

Những tuỳ chỉnh, thay đổi theme không đúng hoặc có thể tuỳ chỉnh đó không tương thích với phiên bản WordPress hiện tại hay plugin đang có đều có thể ảnh hưởng đến tính năng, giao diện hoặc thậm chí làm hỏng toàn bộ website. Bạn nên sao lưu website trước khi thực hiện các tuỳ chỉnh để có thể khôi phục website về trạng thái trước khi chỉnh sửa nếu xảy ra lỗi. Bạn cũng đừng quên sử dụng child theme cho bất kỳ tùy chỉnh nào. Việc này không chỉ giúp bảo vệ các tùy chỉnh của bạn khi cập nhật theme mẹ mà còn giúp dễ dàng quản lý và khắc phục sự cố.

4. Lỗi bảo mật

Lỗi bảo mật trong theme WordPress là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất có thể ảnh hưởng đến an toàn của website. Nguyên nhân có thể do theme không được thường xuyên cập nhật hoặc theme không rõ nguồn gốc hoặc theme không tuân thủ các chuẩn bảo mật hiện đại. Vì thế, bạn chỉ nên cài theme từ các nguồn uy tín và duy trì cập nhật theme thường xuyên. Bạn nên sử dụng thêm các công cụ quét bảo mật định kỳ như Sucuri, Wordfence để kịp thời phát hiện các lỗ hổng bảo mật đang tiềm tàng trên trang web.

Lỗi bảo mật từ theme
Lỗi bảo mật từ theme

5. Lỗi hiển thị trên các thiết bị

Nếu theme không có sẵn tính năng đáp ứng, nó sẽ không thể hiển thị tốt trên tất cả các thiết bị như máy tính, điện thoại, laptop, ipad,… Các layout mà theme cung cấp cho website không tự động điều chỉnh kích thước dựa trên độ phân giải màn hình của thiết bị. Các phần tử như menu, hình ảnh và nội dung có thể bị cắt xén hoặc chồng chéo lên nhau làm xáo trộn bố cục trang. Để khắc phục lỗi này, bạn nên chuyển sang theme mới có hỗ trợ tính năng đáp ứng.

6. Tốc độ tải trang chậm

Các theme không được tối ưu tốt, được lập trình quá phức tạp hoặc tải nhiều file không cần thiết làm tăng thời gian tải trang của website. Tốc độ tải trang chậm không chỉ ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm người dùng mà cả SEO của website. Vì vậy, trong trường hợp này, bạn nên nhanh chóng chuyển sang một theme mới được thiết kế tốt hơn về mặt hiệu suất.

Tốc độ tải trang chậm
Tốc độ tải trang chậm

Hướng dẫn cài đặt theme WordPress

Cách 1: Cài đặt Theme từ thư viện WordPress

WordPress hiện cung cấp hơn 12.000 theme miễn phí trong thư viện WordPress. Hãy làm theo hướng dẫn bên dưới để tận dụng nguồn tài nguyên miễn phí dồi dào và an toàn này nhé!

  • Bước 1: Đăng nhập vào trang quản trị admin WordPress.
  • Bước 2: Nhấp vào menu Appearance trong Dashboard WordPress, chọn mục Themes rồi chọn mục Add New Theme. Tại đây bạn có thể tìm thấy các theme miễn phí có sẵn trong thư viện WordPress. Tại thanh menu:
    • Bạn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm thấy các theme bạn đang cần hoặc các theme phù hợp với nhu cầu của bạn.
    • Hoặc xem các theme phổ biến (popular) hay mới nhất (latest) tại bộ lọc.
    • Bạn còn có thể chọn mục Feature Filter để lọc ra các tính năng, layout và loại web bạn muốn.
  • Bước 3: Di chuột đến theme bạn cần. Nhấp vào Preview để xem thông tin chi tiết về theme đó. Nhấp vào Install khi bạn quyết định cài theme đó cho website. Sau khi đã tải theme thành công. Bạn nhấp vào Live Preview để xem bản xem trước của theme. Nếu ưng bụng rồi, bạn nhấp vào Activate để kích hoạt theme nhé!
  • Bước 4 (tuỳ chọn): Tại menu Appearance, bạn có thể chọn mục Menus & Widgets để cài đặt thêm các widget cho website.

Cách 2: Cài đặt Theme bằng cách upload file từ máy tính

Cách này sẽ giúp bạn tải các theme trả phí hoặc các theme miễn phí từ các nhà cung cấp khác. Các nhà cung cấp theme up tín mà bạn có thể tham khảo như: Themeforest, Elegant Themes, StudioPress,…

  • Bước 1: Đăng nhập vào trang quản trị admin WordPress.
  • Bước 2: Nhấp vào menu Appearance trong Dashboard WordPress, chọn mục Themes rồi chọn mục Add New Theme. Bạn sẽ thấy mục Upload Theme ở đầu trang, nhấp vào nó để tải file .zip từ máy tính lên.
  • Bước 3: Khi quá trình tải tệp lên thành công, bạn chọn tiếp Install Now để cài theme. Bạn đợi 1 chút, quá trình cài theme sẽ thành công. Sau đó, bạn chọn Activate để kích hoạt theme là xong.

Cách 3: Cài đặt Theme bằng cách upload theme lên hosting

Khi kích thước theme quá lớn, bạn sẽ không thể tải theme bằng cách 2 (cài theme thông qua trang quản trị WordPress) được mà cần phải upload theme trực tiếp vào thư mục themes của web. Hay đối với các trang web lớn hoặc phức tạp, việc quản lý theme và plugin thông qua FTP hoặc cPanel sẽ toàn diện hơn và đảm bảo luôn có các bản sao lưu dự phòng cho website. Dưới đây, Puramu sẽ hướng dẫn bạn cách cài theme bằng cách upload theme lên hosting bằng FTP:

  • Bước 1: Sau khi đã tải tệp theme bạn cần về máy. Bạn cần tiến hành giải nén tệp .zip đó thành một thư mục chứa tất cả các file của theme.
  • Bước 2: Đăng nhập vào FileZilla bằng tài khoản FTP. Tại cửa sổ FTP, bạn vào thư mục gốc của website nơi bạn đã cài đặt WordPress. Thông thường, đây sẽ là thư mục public_html.
  • Bước 3: Tìm đến thư mục /wp-content/themes/, kéo và thả thư mục theme bạn đã giải nén từ máy tính vào thư mục này.
  • Bước 4: Đăng nhập vào trang quản trị admin WordPress. Nhấp vào menu Appearance trong Dashboard WordPress, chọn mục Themes. Tại đây, bạn sẽ thấy theme bạn vừa upload. Di chuột vào theme đó, chọn Activate để kích hoạt theme.

Cần làm gì sau khi cài theme thành công?

Sau khi cài đặt và kích hoạt theme thành công, bạn có thể bắt đầu tuỳ chỉnh theme cho phù hợp với website bằng cách chọn mục Customize tại menu Appearance. Bạn nên sao lưu dữ liệu của website trước khi thực hiện các tuỳ chỉnh này để phòng trường hợp mất dữ liệu xảy ra.

Trên đây là tất cả các khái niệm về Theme WordPress và cách cài đặt Theme WordPress. Hy vọng sẽ cung cấp thông tin hữu ích đến bạn. Nếu bạn vẫn chưa cài được Theme cho WordPress thì hãy đợi bài viết sau nhé! Puramu sẽ tổng hợp tất cả các lỗi và cách khắc phục các lỗi khi cài Theme WordPress. Cùng chờ nhé!

Quốc Huy
Viết bởiQuốc Huy

Chào các bạn! Gọi mình là Huy nhé! Huy hiện đang là CEO của công ty Puramu. Với niềm đam mê lập trình từ sớm, mình đã nghiên cứu và tự học lập trình từ năm 2016. Sau nhiều năm làm việc, mình đã thực hiện các dự án website với nhiều mục đích khác nhau như: tin tức, giới thiệu, booking, thương mại điện tử hay các ứng dụng web. Hy vọng những kiến thức và trải nghiệm mình chia sẻ trên website này sẽ giúp ích cho nhiều bạn.

Bài viết liên quan

Chọn WordPress.com hay WordPress.org khi tạo website

Có phải bạn nhận được lời khuyên “nên tạo website bằng WordPress” từ rất nhiều người xung quanh không? Nhưng là WordPress.com hay…

So sánh WordPress.com và WordPress.org
Cập nhật lần cuối:
Plugin WordPress là gì? Lưu ý khi chọn plugin?

Khi mới bắt đầu làm website bằng WordPress, bạn sẽ thường thấy mọi người hay đề cập đến plugin và thắc mắc không biết plugin WordPress là…

Plugin WordPress là gì?
Cập nhật lần cuối:
Hướng dẫn cài đặt và nâng cấp plugin WordPress

Khi đã làm việc với WordPress thì cài plugin là việc thiết yếu và cơ bản mà bạn phải nắm được. Nhờ các tính năng của plugin bạn có thể tạo một website…

Hướng dẫn cài đặt plugin cho WordPress
Cập nhật lần cuối:
Chọn thiết kế website theo mẫu hay thiết kế website theo yêu cầu

Khi quyết định thiết kế website chắc hẳn đại đa số mọi người sẽ cân nhắc giữa thiết kế website theo mẫu với thiết kế website theo yêu cầu. Và không biết…

Thiết kế website theo mẫu hay theo yêu cầu
Cập nhật lần cuối: