Kiến thức

Chọn WordPress.com hay WordPress.org khi tạo website

Cập nhật lần cuối:
So sánh WordPress.com và WordPress.org

Có phải bạn nhận được lời khuyên “nên tạo website bằng WordPress” từ rất nhiều người xung quanh không? Nhưng là WordPress.com hay WordPress.org nhỉ? Puramu chắc chắn không phải ai cũng phân biệt được hai nền tảng tạo website này. Bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn blogger, công ty hay doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu về việc tạo website có thể tìm ra nền tảng nào là phù hợp với nhu cầu của mình nhất! Đây cũng là bước đầu rất quan trọng. Khi bạn nắm được thông tin và tìm ra được cái nào phù hợp với bạn, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.

Chọn WordPress.com hay WordPress.org?
Chọn WordPress.com hay WordPress.org?

WordPress là gì?

WordPress là hệ thống quản trị nội dung mã nguồn mở, được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL. Tất cả mọi người đều có thể sử dụng WordPress để tạo blog hay website một cách dễ dàng và đẹp mắt. Bạn chỉ mất một khoảng thời gian ngắn tìm hiểu về cách sử dụng là có thể tạo được một website cho mình.

WordPress là gì?
WordPress là gì?

Bạn có thể tạo:

  • Blog cá nhân
  • Portfolio
  • Trang web thương mại điện tử
  • Cổng thông tin
  • Diễn đàn thảo luận
  • Website bán hàng
  • Website từ thiện
  • Website doanh nghiệp
  • Tạp chí

Và rất nhiều thứ nữa từ WordPress.

Tại sao có cả hai nền tảng WordPress?

WordPress.org được thành lập năm 2003 bởi lập trình viên Mike Little và Matt Mullenweg. Trải qua nhiều biến đổi, từ năm 2004 tới nay, WordPress được phát triển bởi cộng đồng hàng ngàn thành viên là các lập trình viên.

Vào năm 2005, Matt Mullenweg ra mắt WordPress.com thuộc công ty Automattic của ông. Dịch vụ tạo blog này đơn giản hoá cho người dùng so với thiết lập WordPress truyền thống. Bạn chỉ cần truy cập vào website đăng ký tài khoản, đặt tên website, cung cấp một số thông tin cần thiết là có ngay một trang web chỉ trong vài phút. Không phải lo các vấn đề về kỹ thuật, cài đặt, hosting, tên miền trước khi tạo web hay sao lưu, tối ưu, bảo mật cho web của bạn trong quá trình sử dụng. Tất cả đã có sẵn, việc của bạn là tập trung vào làm nội dung!

Thế nên, WordPress.com và WordPress.org dành cho hai đối tượng khác nhau. Cùng sang phần tiếp theo để xem so sánh chi tiết hơn về hai nền tảng này nhé!

So sánh giữa WordPress.com và WordPress.org

Đa số khi mới bắt đầu tìm hiểu về WordPress, mọi người hay bị nhầm lẫn giữa WordPress.com và WordPress.org. Nhiều người còn tưởng đây là một, như nhau. Nhưng thực tế, đây là hai giải pháp tạo website hoàn toàn khác nhau. Cả hai được thành lập bởi hai tổ chức riêng mặc dù chúng có tên rất giống nhau. Puramu khuyên chân thành các bạn nên tìm hiểu kĩ thông tin về hai nền tảng tạo website này trước khi bắt tay vào thực hiện. Điều này giúp bạn tránh mất thời gian cũng như sai sót kỹ thuật trong quá trình sử dụng.

WordPress.com

Tổng quan

WordPress.com là một website cung cấp dịch vụ blog miễn phí xây dựng trên nền tảng mã nguồn mở WordPress. Nó cung cấp không gian lưu trữ blog cho người dùng, được vận hành bởi Automattic.

Do đó, bạn không cần phải đầu tư cho hosting (không gian lưu trữ web). Tên miền sẽ có đuôi mặc định là wordpress.com của nhà cung cấp. Để sử dụng tên miền riêng cho website, bạn cần phải nâng cấp WordPress lên bản Personal (4$ một tháng). Sau đó, mua tên miền có phí hoặc miễn phí và thiết lập lại cài đặt trong WordPress. Việc sở hữu một tên miền riêng không chỉ mang tính thương hiệu cá nhân, tạo sự chuyên nghiệp mà còn giúp cải thiện SEO cho website của bạn.

Trước đây, với bản miễn phí dung lượng lưu trữ là 3GB cho phép lưu trữ các hình ảnh, tệp tài liệu, tệp zip, âm thanh, video. Tuy nhiên, từ sau ngày 31/03/2021 WordPress.com đã giảm xuống còn 1GB. Bạn phải nâng cấp lên các bản trả phí để tăng dung lượng cho không gian lưu trữ của mình. Bạn yên tâm! Nếu trang web của bạn đơn giản, chứa ít thông tin thì vẫn có thể đủ để vận hành web.

Trang chủ WordPress.com
Trang chủ WordPress.com

Ưu và nhược điểm của WordPress.com

WordPress.com xây dựng một blog hoàn chỉnh, sở hữu những tính năng cần thiết và giao diện có sẵn cho một trang web. Vì thế, bạn sẽ dễ dàng tuỳ chỉnh để tạo ra một website mà không phải tìm kiếm chúng từ bên thứ ba. Đây có thể là một ưu điểm nếu bạn thích sự tiện lợi, không có quá nhiều yêu cầu với một website. Nhưng sẽ là nhược điểm nếu bạn muốn biến hoá nhiều thứ cho website của mình. Tương tự, Puramu sẽ liệt kê một số điểm sau đây. Bạn hãy suy ngẫm, xem xét xem nó là ưu hay nhược điểm khi tạo website đối với bạn nhé!

Theme (giao diện website)

Chỉ được sử dụng theme miễn phí của WordPress. Các theme premium có phí (50$) thường sẽ đẹp mắt hơn. Nếu bạn muốn giao diện website của mình trông khác biệt so với các website khác, tạo ấn tượng hơn với khách hàng, bạn có thể mua bản Premium (8$ một tháng).

Plugin (tính năng mở rộng thêm cho website)

Với bản miễn phí bạn không có quyền cài bất kỳ plugin nào. Việc này sẽ khá bất tiện khi bạn muốn thêm một tính năng nào đó vào website mà tính năng có sẵn trong WordPress.com lại không hỗ trợ.

Bạn có thể sử dụng tất cả các plugin như bên WordPress khi nâng cấp lên bản Business (25$ một tháng). Chi phí này khá cao. Nhưng nó cần thiết nếu bạn muốn xây dựng và phát triển thương hiệu của mình một cách hoàn chỉnh nhất. Các plugin không chỉ giúp tạo nên sự mạnh mẽ, tiện lợi cho trang web mà còn tăng trải nghiệm của khách hàng khi họ bước vào trang web của bạn. Thêm vào đó, gói Business còn kèm theo công cụ Google Analytics. Công cụ này hỗ trợ đắc lực cho việc hiểu rõ hành vi của khách truy cập vào website của bạn.

Bảo mật

WordPress.com là nền tảng đóng hoàn toàn nên không có nhiều lỗ hỏng bảo mật. Ngoài ra, còn có một đội ngũ bảo mật thông tin, giữ cho website của bạn luôn trong trạng thái an toàn.

Tốc độ web

Không cần bận tâm, WordPress.com sẽ tự tối ưu cho bạn. WordPress.com còn có tiếng từ lâu về tốc độ web “nhanh và gần như không có downtime (khoảng thời gian hệ thống không khả dụng)”. Đó cũng là lý do mà bạn không phải lo về bảo trì website vì mọi thứ sẽ tự cập nhật, sao lưu,… Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho bạn và trang web của bạn không phải tạm gián đoạn vì lý do bảo trì bất cứ lúc nào.

Kiếm tiền

Đây là yếu tố chắc hẳn nhiều bạn quan tâm. Với bản miễn phí, bạn chỉ có thể gắn link affiliate vào bài. Để đặt quảng cáo hoặc bán không gian quảng cáo trên blog hay website bạn cần chi tiền để nâng cấp lên bản Business. Vì vậy, bạn nên cân nhắc về mục tiêu làm web của mình. Từ đó, có hướng đi đúng đắn và lựa chọn bản WordPress.com phù hợp với mình nhất nhé!

Bạn có thể đăng ký WordPress từ miễn phí đến trả phí. Nhưng với bản miễn phí của WordPress.com, bạn sẽ bị giới hạn về nhiều mặt như: Tính năng, giao diện, tên miền, quảng cáo,… Có thể nói, WordPress.com rất dễ sử dụng, miễn phí nhưng đổi lại bạn phải mất đi sự khác biệt, ấn tượng trong website của mình. Để làm website hay blog chuyên nghiệp trước sau gì bạn cũng phải đầu tư lên gói cao nhất (Business).

WordPress.org

Tổng quan

WordPress.org là trang web chứa mã nguồn mở WordPress. Nó cho phép tất cả mọi người tải về miễn phí và tự cài lên web hosting của mình. Đây cũng là nơi chứa các thông tin và hướng dẫn về WordPress có cả tiếng anh lẫn tiếng việt. Tuy nhiên, tiếng anh vẫn chứa đầy đủ thông tin hơn. Nền tảng này cho phép bạn xây dựng blog trên không gian lưu trữ của riêng bạn, tuỳ chỉnh không giới hạn trang của bạn.

Download WordPress từ trang web WordPress.org
Download WordPress từ trang web WordPress.org

WordPress cho phép bạn sử dụng không gian lưu trữ của riêng bạn. Vì thế, bạn phải mua tên miền (domain) và hosting. Sau đó, bạn tiến hành cài WordPress lên hosting là có thể vận hành website. So với WordPress.com thì WordPress.org làm bạn phải mất nhiều thời gian hơn ở bước tạo website. Đặc biệt, bạn phải tìm hiểu về tên miền, host để tạo và quản lý trang trước nếu chưa có kiến thức.

Cùng xem WordPress có gì nhé:

Plugin và theme

Không giới hạn số lượng theme và plugin cài vào WordPress. Hơn 60.000 plugin và 10.000 theme miễn phí có sẵn trong thư viện WordPress.org để bạn thoả thích lựa chọn giao diện hay mở rộng tính năng WordPress cho website của mình. Ngoài ra, còn có theme và plugin trả phí. Tuy nhiên, một số plugin và theme cần có lập trình viên hỗ trợ cài đặt để dễ dàng sử dụng và tận dụng, tối ưu được tối đa tính năng của nó.

Tốc độ web, bảo mật và bảo trì

Vì là mã nguồn mở nên bạn phải tự cập nhật, sao lưu định kỳ, bảo mật và tối ưu tốc độ cho web. Ngay từ đầu bạn nên chọn hosting có tối ưu cho WordPress và thực sự uy tín. Những host tốt thường được nhà cung cấp chăm sóc rất kỹ và có những biện pháp để bảo vệ trước các sự tấn công. Tin vui là bạn có thể dễ dàng tìm thông tin về vấn đề này trên google và WordPress cung cấp nhiều plugin giúp bạn cải thiện bảo mật và tốc độ web tốt hơn.

Kiếm tiền

Bạn có thể kiếm tiền bằng bất cứ thứ gì bạn muốn. WordPress không hạn chế bất cứ điều gì!

Khả năng tuỳ chỉnh website

Bạn phải có kiến thức về ngôn ngữ lập trình PHP, HTML, CSS, Javascript,… và tất cả các kỹ thuật liên quan tới website để có thể tự tùy chỉnh website và tận dụng được tối đa các tính năng của WordPress. Nếu không, bạn có thể sử dụng dịch vụ thiết kế website để có được một website mang thiết kế đẹp và tính năng mạnh mẽ theo ý của bạn. Tại Puramu, chúng tôi cung cấp dịch vụ thiết kế website chuẩn SEO, chuẩn UX/UI và hỗ trợ khách hàng trọn đời sau khi bàn giao web. Thay vì dành thời gian nghiên cứu kiến thức để tạo WordPress, cách bảo mật, tối ưu WordPress, bạn hãy liên hệ đội ngũ chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất!

Đặc biệt, ở Việt Nam, các thông tin về cách sử dụng website WordPress.org rất phổ biến. Các bài đề cập đến WordPress tức đều đang nói đến WordPress.org. Bạn không phải lo về việc thiếu nguồn thông tin khi mới bắt đầu tiếp cận WordPress. Nếu tiếng anh bạn tốt, bạn còn có thể tiếp cận các nguồn thông tin phong phú hơn nữa.

WordPress.com hay WordPress.org phù hợp với bạn?

Một blog cá nhân, website đơn giản sẽ phù hợp với WordPress.com. Ngược lại, một website phức tạp, nhiều nội dung, cần tinh chỉnh nhiều tính năng sẽ phù hợp với WordPress.org.

WordPress.com hay WordPress.org phù hợp với bạn?
WordPress.com hay WordPress.org phù hợp với bạn?

Hay đơn giản là bạn cần tạo website dễ dàng, nhanh chóng, không cần cài đặt, thuê host, không cần bận tâm đến vấn đề kỹ thuật thì WordPress.com là nền tảng dành cho bạn. Chọn WordPress.com bạn chỉ cần tập trung vào viết blog mà không phải đầu tư quá nhiều thời gian để tìm hiểu, mày mò về website.

Nếu bạn là kiểu người thích vận hành, tuỳ chỉnh website ở mọi chi tiết thì WordPress.org là dành cho bạn. Bạn có thể tự tạo website cho mình hoặc thuê dịch vụ thiết kế website bên ngoài. Tất cả tuỳ thuộc vào quỹ thời gian, kiến thức của bạn.

Bạn sẽ chọn nền tảng nào? Hãy chia sẻ những trải nghiệm của bạn cho Puramu nhé! Nếu thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ nó lên các nền tảng xã hội của bạn nhé. Puramu rất vui khi bài viết của mình có thể giúp ích cho nhiều người.

Quốc Huy
Viết bởiQuốc Huy

Chào các bạn! Gọi mình là Huy nhé! Huy hiện đang là CEO của công ty Puramu. Với niềm đam mê lập trình từ sớm, mình đã nghiên cứu và tự học lập trình từ năm 2016. Sau nhiều năm làm việc, mình đã thực hiện các dự án website với nhiều mục đích khác nhau như: tin tức, giới thiệu, booking, thương mại điện tử hay các ứng dụng web. Hy vọng những kiến thức và trải nghiệm mình chia sẻ trên website này sẽ giúp ích cho nhiều bạn.

Bài viết liên quan

Cần chuẩn bị gì trước khi thiết kế website?

Một trong những việc bạn phải làm khi mới bắt đầy xây dựng thương hiệu đó chính là tạo website. Không phải ai cũng có nhiều kiến thức về website nên có…

Cần chuẩn bị gì trước khi thiết kế website
Cập nhật lần cuối:
Thiết kế website chuẩn Responsive hay Responsive Web là gì?

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, điện thoại là thiết bị chiếm đa số người sử dụng. Không ai là không sở hữu 1 chiếc điện thoại. Trước kia…

Thiết kế website chuẩn Responsive hay Responsive Web là gì?
Cập nhật lần cuối:
Hướng dẫn cài đặt và nâng cấp plugin WordPress

Khi đã làm việc với WordPress thì cài plugin là việc thiết yếu và cơ bản mà bạn phải nắm được. Nhờ các tính năng của plugin bạn có thể tạo một website…

Hướng dẫn cài đặt plugin cho WordPress
Cập nhật lần cuối:
Cách thêm Font Awesome vào WordPress

Bài trước Puramu đã hướng dẫn bạn cách chèn Font Awesome Icons vào Photoshop rồi. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm cách chèn icon trong…

Cách thêm Font Awesome vào WordPress
Cập nhật lần cuối: