Hosting - Server

Hosting là gì? 5 bí quyết lựa chọn hosting phù hợp với website

Cập nhật lần cuối:
Hosting là gì? 5 Bí quyết lựa chọn hosting phù hợp với website

Sau khi hoàn thiện thiết kế website, để website có thể hoạt động và tiếp cận được với người dùng trên Internet, website cần được trang bị một gói hosting phù hợp. Nhưng “Hosting là gì?” và “Làm sao để lựa chọn một gói hosting phù hợp?” là những câu hỏi mà không phải ai cũng có câu trả lời. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn toàn diện về hosting – từ khái niệm cơ bản đến các loại hosting khác nhau giúp bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn khi chọn mua gói hosting. Cùng đọc nhé!

Hosting là gì? Web hosting là gì?

Hosting hay Web hosting là một dịch vụ lưu trữ trực tuyến cung cấp không gian trên máy chủ để lưu trữ và xử lý các dữ liệu website như nội dung, hình ảnh và các loại file khác mà website cần để hoạt động. Đây là dịch vụ bắt buộc cho bất kỳ website nào vì chỉ khi website sử dụng hosting, nó mới có thể hiện diện trên Internet và tiếp đón người dùng từ khắp mọi nơi trên thế giới truy cập vào website.

Ví dụ về hosting

Hình minh hoạ Hosting là gì?
Hình minh hoạ Hosting là gì?

Bạn có thể hình dung website của mình như một cửa hàng kinh doanh:

  • Website: Bao gồm nội dung, hình ảnh, file, tính năng, giao diện,… có thể được ví như các cơ sở vật chất của cửa hàng (bàn, ghế,…), decor,…
  • Internet: Trong trường hợp này internet có thể ví như con đường để các khách hàng có thể truy cập đến “cửa hàng website” của bạn.
  • Hosting: Hosting được ví như mặt bằng để bạn có thể đặt website lên đó. Gói hosting phù hợp với website sẽ đảm bảo website có đủ không gian hoạt động và quan trọng hơn hết là luôn kết nối với “con đường” internet. Nếu không có hosting đồng nghĩa với việc khách hàng không thể truy cập được vào website của bạn thông qua internet.
  • Tên miền: Tên miền (địa chỉ website) hoạt động tương tự như địa chỉ của một cửa hàng. Tên miền nên đơn giản, dễ nhớ để khách hàng có thể dễ dàng “tìm đường” truy cập mỗi khi cần.

Ngoài ra, với lượng khách đến cửa hàng càng đông, đồng nghĩa với việc bạn phải thuê một mặt bằng có diện tích lớn hơn và có các tiện ích phù hợp để có thể đủ sức chứa số khách đó. Và website cũng thế, hosting cần phải được nâng cấp với dung lượng lớn hơn, tốc độ xử lí mạnh mẽ hơn để có thể hoạt động tốt trong điều kiện lượng truy cập lớn.

Tìm hiểu về 5 loại web hosting phổ biến hiện nay

Có 5 loại web hosting phổ biến: Shared Hosting, Cloud Hosting, VPS Hosting, Dedicated Hosting và WordPress Hosting. Nắm được đặc điểm của các loại hosting sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn được loại hosting đúng với nhu cầu của website.

1. Shared Hosting

Shared Hosting là gì?

Shared Hosting là loại hosting mà nhà cung cấp sẽ chia sẻ cùng một tài nguyên máy chủ cho nhiều khách hàng khác nhau. Tức là khi bạn chọn mua gói Shared Hosting, website của bạn sẽ được lưu trữ trên cùng một máy chủ với nhiều website khác. Tất cả sẽ sử dụng chung tài nguyên của máy chủ như CPU, bộ nhớ RAM, không gian đĩa lưu trữ và băng thông. Vì là dạng chia sẻ nên chi phí của Shared hosting rất rẻ. Một ưu điểm nữa là bạn không cần phải quan tâm nhiều về vấn đề kỹ thuật và quản trị với gói hosting này vì nhà cung cấp đã giúp bạn quản lí các vấn đề này.

Shared Hosting phù hợp với các website mới lượng khách truy cập ít hoặc website nhỏ như blog, landing page. Bạn nên để ý lượng truy cập website và nâng cấp lên gói hosting mới kịp thời để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng truy cập web.

Lưu ý: Khi sử dụng Shared Hosting, bạn nên sử dụng thêm cache để giảm tải cho máy chủ. Cache sẽ đóng vai trò cực kì quan trọng khi lượng truy cập vào website tăng đột biến và ảnh hưởng đến tốc độ tải trang của website.

Shared Hosting là gì?
Shared Hosting là gì?

Ưu và nhược điểm của Shared Hosting

Ưu điểm:

  • Chi phí thấp.
  • Quản lý và bảo trì siêu đơn giản.
  • Server được cấu hình sẵn.

Nhược điểm:

  • Tài nguyên và quyền kiểm soát hạn chế.
  • Có thể bị ảnh hưởng bởi các website khác trên cùng máy chủ.
  • Bảo mật: Mặc dù các nhà cung cấp hosting thường có các biện pháp bảo mật tốt cho hosting nhưng với hình thức chia sẻ máy chủ, các rủi ro bảo mật thường xảy ra cao hơn so với các loại hosting khác. Website có thể bị lây nhiễm mã độc, bị tấn công bởi DoS.

2. VPS Hosting

VPS Hosting là gì?

VPS là viết tắt của Virtual Private Server, dịch sang tiếng việt nghĩa là máy chủ riêng ảo.

VPS hosting là loại hosting cung cấp nhiều máy chủ ảo độc lập được phân chia từ một server vật lý. Mỗi máy chủ ảo có tài nguyên riêng biệt như CPU, RAM, không gian đĩa và băng thông. VPS hosting ra đời vừa khắc phục được nhược điểm của Dedicated hosting và Shared hosting vừa là sự kết hợp ưu điểm của 2 hosting đó. Bạn sẽ được toàn quyền sở hữu và tuỳ chỉnh máy chủ riêng ảo tương tự như Dedicated hosting nhưng với chi phí thấp hơn đáng kể. Mặc dù VPS sử dụng chung một máy chủ vật lý như Shared Hosting nhưng mỗi máy chủ ảo hoạt động độc lập và cô lập với nhau nên đảm bảo mức độ bảo mật và hiệu suất cao hơn.

VPS hosting phù hợp với website có lượng truy cập vừa phải, website đang trong giai đoạn phát triển. VPS hosting cũng khá phù hợp với các website mới cần hiệu suất web ổn định và cần khả năng tuỳ chỉnh cao ngay từ đầu.

VPS Hosting là gì?
VPS Hosting là gì?

Ưu và nhược điểm của VPS Hosting

Ưu điểm:

  • Sở hữu tài nguyên server riêng, ổn định với chi phí rẻ.
  • Quyền truy cập root và khả năng tùy chỉnh cao.
  • Dễ dàng nâng cấp tài nguyên trong tương lai, không cần phải chuyển sang một máy chủ mới.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao hơn Shared hosting.
  • Yêu cầu kiến thức kỹ thuật để quản trị server.

3. Cloud Hosting

Cloud Hosting là gì?

Cloud hosting là loại hosting hoạt động dựa trên nền tảng điện toán đám mây (cloud computing). Website sẽ được đặt và lưu trữ trên một vùng cloud (đám mây) thay vì trên máy chủ vật lý. Cloud Hosting sử dụng công nghệ ảo hóa tương tự như VPS hosting để gộp tài nguyên từ nhiều máy chủ vật lý. Do đó, khả năng mở rộng tài nguyên gần như không giới hạn và dễ dàng tuỳ chỉnh, nâng cấp.

Một trong những ưu điểm lớn của Cloud Hosting là khả năng đảm bảo hoạt động liên tục, giảm thiểu downtime đến mức tối đa. Dữ liệu và tài nguyên được sao lưu tự động trên nhiều máy chủ. Khi một máy chủ đám mây bị quá tải hoặc gặp sự cố, tài nguyên có thể được chuyển mạch nhanh chóng sang máy chủ khác, đồng thời traffic cũng được tự động điều hướng. Nhờ vậy, trang web luôn ổn định và khả dụng với người dùng.

Cloud hosting là giải pháp hosting hiện đại và linh hoạt nên nó phù hợp với mọi website, từ website nhỏ đến lớn. Cloud hosting sẽ thích hợp nhất với các website có lượng truy cập hay biến đổi, không ổn định.

Cloud Hosting
Cloud Hosting

Ưu và nhược điểm của Cloud Hosting

Ưu điểm:

  • Độ tin cậy cao do khả năng chịu lỗi cao, gần như không có downtime.
  • Mở rộng, nâng cấp tài nguyên linh hoạt.
  • Thanh toán dựa vào lượng băng thông sử dụng.

Nhược điểm:

  • Khó kiểm soát chi phí sử dụng.
  • Cấu hình và quản lý phức tạp hơn các hosting khác.

4. WordPress Hosting

WordPress Hosting là gì?

WordPress hosting là loại hosting được thiết kế riêng cho các website sử dụng nền tảng WordPress. Loại hosting này được tối ưu hóa đặc biệt cho WordPress với các tính năng và cấu hình đã được điều chỉnh sẵn để tăng tốc độ tải trang, nâng cao mức độ bảo mật và cải thiện hiệu suất tổng thể của website WordPress. Hiện nay, nhiều nhà cung cấp WordPress hosting cung cấp tính năng cài đặt hosting tự động chỉ với một cú nhấp chuột. Nhờ đó mà quá trình thiết lập trang web WordPress trở nên đơn giản và dễ dàng hơn bao giờ hết, nhất là với người mới bắt đầu.

WordPress hosting có thể được triển khai trên bất kỳ loại hosting nào đã liệt kê ở trên. Tuỳ thuộc vào nhu cầu, quy mô và ngân sách của website mà bạn có thể lựa chọn gói hosting phù hợp.

WordPress Hosting
WordPress Hosting

Ưu và nhược điểm của WordPress Hosting

Ưu điểm:

  • Hiệu suất tốt, dễ dàng quản lý và tối ưu cho các website WordPress.
  • Cài đặt, sử dụng đơn giản với người mới bắt đầu.
  • Các plugin và theme WordPress cần thiết được cài sẵn.

Nhược điểm:

  • Chỉ dành cho website sử dụng nền tảng WordPress.

5. Dedicated Hosting

Dedicated Hosting là gì?

Trái ngược hoàn toàn với Shared Hosting, Dedicated Hosting hay Dedicated Server Hosting là loại hosting mà bạn được toàn quyền sở hữu. Doanh nghiệp sẽ thuê một máy chủ vật lý riêng bao gồm: server, đường truyền mạng, cơ sở vật chất để sử dụng và vận hành. Vì thế, bạn sẽ được quyền kiểm soát tối đa và tuỳ chỉnh từ cấu hình server, lựa chọn hệ điều hành, cài đặt cơ sở dữ liệu và ứng dụng bạn muốn cho đến tối ưu hiệu năng hệ thống theo ý bạn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bạn cần phải có kiến thức kỹ thuật và ngân sách tốt. Dedicated hosting là loại hosting có chi phí cao nhất trong các loại hosting hiện nay.

Dedicated hosting cung cấp cho bạn 2 lựa chọn về quản lý và bảo trì hosting. Bạn có thể tự quản lý hoặc giao phó cho nhà cung cấp quản lý hosting. Với hiệu suất và bảo mật cao nhất, Dedicated hosting là lựa chọn tốt nhất cho các doanh nghiệp lớn, website có lượng truy cập lớn hoặc có cơ sở dữ liệu lớn.

Dedicated Hosting
Dedicated Hosting

Ưu và nhược điểm của Dedicated Hosting

Ưu điểm:

  • Quyền kiểm soát và tuỳ chỉnh cao, quyền truy cập root.
  • Hiệu suất cao.
  • Bảo mật cao.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao nhất trong các loại hosting.
  • Yêu cầu kiến thức kỹ thuật để sử dụng.

Các thông số và tính năng cần xem xét khi chọn mua hosting

Khi chọn mua dịch vụ hosting, việc hiểu các thông số và tính năng mà nhà cung cấp hosting cung cấp là rất quan trọng. Dưới đây, Puramu sẽ giải thích chi tiết, cũng như vài gợi ý giúp bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất khi lựa chọn dịch vụ hosting:

Dung lượng lưu trữ (Storage)

Dung lượng lưu trữ là không gian bộ nhớ mà dịch vụ hosting cho phép bạn tải file và dữ liệu của mình lên máy chủ. Có hai loại ổ cứng chính là SSD và HDD. SSD sẽ cung cấp tốc độ truy cập và xử lý dữ liệu nhanh hơn đáng kể so với HDD. Vì vậy nên SSD sẽ có giá cao hơn HDD.

Hệ điều hành

Có hai loại hệ điều hành phổ biến là Windows và Linux:

  • Linux được sử dụng cho hosting phổ biến hơn vì tính ổn định, bảo mật và hiệu suất cao. Nếu website sử dụng nền tảng WordPress thì bạn nên chọn hệ điều hành Linux để vận hành website tốt.
  • Windows hosting thường được sử dụng cho các ứng dụng web yêu cầu .NET hoặc MSSQL.

Băng thông (Bandwidth)

Với hosting, băng thông thường để chỉ tổng lưu lượng down và up file trong 1 tháng của hosting. Một số nhà cung cấp sẽ giới hạn băng thông, một số khác thì lại cung cấp lượng băng thông không giới hạn.

RAM (Bộ nhớ đệm)

Lượng RAM dành cho hosting ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xử lý và tốc độ tải của website. Bộ nhớ RAM càng cao, khả năng xử lý đồng thời càng tốt. Yếu tố này đặc biệt quan trọng cho các website có lượng truy cập cao.

Addon Domain

Addon Domain là tính năng mô tả số lượng domain bạn có thể trỏ tới hosting. Đây là yếu tố quan trọng nếu bạn muốn quản lý nhiều website. Addon domain cho phép bạn chạy nhiều website riêng biệt từ một tài khoản hosting.

Ví dụ như: 1 gói hosting hỗ trợ 5 Addon domain tức là bạn có thể chạy 1 website với tên miền chính và 5 website khác bằng Addon domain trên hosting đó. Ngoài ra, các sub-domain của tên miền chính sẽ không bị giới hạn số lượng.

Các yếu tố khác

  • Email accounts: Số lượng email theo tên miền mà bạn có thể tạo.
  • FTP accounts: Số lượng FTP account mà bạn có thể tạo để quản lý website, upload dữ liệu lên hosting qua FTP.
  • Các tham số bảo mật: Bao gồm chứng chỉ SSL cho bảo mật kết nối cũng như các công cụ phòng chống malware và virus.
  • Max File (Số lượng file tối đa): Đây là số lượng file tối đa mà bạn có thể lưu trữ trên hosting. Một số nhà cung cấp hosting sẽ đặt giới hạn này để đảm bảo hệ thống được hoạt động ổn định.
  • Ngôn ngữ lập trình hỗ trợ: Đảm bảo nhà cung cấp hosting hỗ trợ ngôn ngữ lập trình bạn cần sử dụng như: PHP, Python, Ruby hoặc .NET.
  • Sao lưu, phục hồi: Tính năng sao lưu và phục hồi dữ liệu tự động rất quan trọng để đảm bảo an toàn dữ liệu trước sự cố.

5 bí quyết lựa chọn hosting phù hợp với website của bạn

Lựa chọn dịch vụ hosting phù hợp với website là yếu tố then chốt để quyết định sự thành bại của một website. Dưới đây là 5 bí quyết mà bạn có thể áp dụng khi lựa chọn một dịch vụ hosting.

Lựa chọn nhà cung cấp uy tín

Bí quyết đầu tiên đó chính là lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, có thâm niên trong lĩnh vực cung cấp hosting và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dùng. Ngoài ra, nhà cung cấp này nhất định phải có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật 24/7, sẵn sàng giúp bạn xử lí bất kì vấn đề gì liên quan đến hosting, website. Việc hosting hoạt động ổn định và sự an toàn của dữ liệu website quan trọng hơn việc tiết kiệm chi phí cho website rất nhiều. Dù việc chọn một dịch vụ hosting giá rẻ có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí ban đầu nhưng nếu sự an toàn và ổn định của website không được đảm bảo, chi phí phát sinh cho rủi ro trong tương lai có thể sẽ cao hơn nhiều lần.

Ưu tiên sử dụng Shared Hosting

Tiếp đến, bạn nên ưu tiên sử dụng Shared Hosting. Nếu Shared Hosting không còn đáp ứng được nhu cầu thì Cloud Hosting sẽ là sự lựa chọn tiếp theo. Bạn không đọc nhầm đâu! Với kinh nghiệm của Puramu thì những loại hosting này phù hợp cho phần lớn người dùng. Không ít khách hàng của Puramu đã thuê VPS Hosting, thậm chí là thuê hẵn một máy chủ vật lý (Dedicated Server Hosting) mà không có một chút kiến thức kỹ thuật nào! Điều này rất tệ vì lúc đó bạn không thể nào quản trị được hosting, kiểm soát các vấn đề bảo mật, sao lưu dữ liệu,… Hãy sử dụng Shared Hosting hay Cloud Hosting để được “peace in mind”, tất cả các vấn đề trên nhà cung cấp sẽ là người lo cho bạn.

Bắt đầu từ “nhỏ”

Thứ ba là đừng chọn những gói hosting quá lớn từ ban đầu, hãy thử những gói nhỏ mà bạn cho là phù hợp với website của mình trước. Nếu nó không phù hợp thì sao? Thì không sao cả. Đa số các nhà cung cấp hosting hiện tại đều có những chính sách rất thoải mái, hỗ trợ bạn nâng cấp lên gói cao hơn một cách dễ dàng.

Bắt đầu từ "nhỏ"
Bắt đầu từ “nhỏ”

Dữ liệu là vàng

Bạn sẽ không thể nào cảm nhận được sự quan trọng của một bản backup nếu website của bạn không gặp sự cố mất mát dữ liệu hay bị tấn công bởi mã độc,… Chính vì vậy hãy đảm bảo rằng nhà cung cấp hosting mà bạn chọn hỗ trợ backup dữ liệu hàng ngày. Nhất định phải là hàng ngày! Vì Puramu cho rằng backup hàng tuần là không đủ để linh hoạt trong việc khôi phục lại website sau sự cố.

Chi ít được nhiều

Sau khi áp dụng các bí quyết trên thì Puramu tin rằng bạn đã chọn được một gói hosting ưng ý rồi. Đã đến lúc bạn áp dụng bí quyết cuối cùng rồi! Bí quyết này giúp bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí phải chi trả cho hosting và đặc biệt hiệu quả đối với các nhà cung cấp hosting tại Việt Nam. Bí quyết gói gọn trong 2 từ “săn sale”. Vào thời điểm các ngày lễ, các nhà cung cấp hosting thường sẽ tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi khủng. Khi đó, bạn chỉ cần chi nửa giá hoặc thậm chí là ít hơn nữa. Nếu bạn đang không quá vội để thuê một gói hosting thì việc chờ đợi dịp sale chắc chắn là một lựa chọn không tồi.

Chi ít được nhiều
Chi ít được nhiều

Lịch sale hosting thường thấy của các nhà cung cấp tại Việt Nam:

  • Sinh nhật của các nhà cung cấp
  • Tết Dương lịch
  • Tết Âm lịch
  • Ngày lễ 30/4 – 1/5
  • Quốc khánh 2/9
  • Black friday

Hãy chú ý các thời điểm này và thường xuyên kiểm tra các chương trình khuyến mãi của nhà cung cấp bạn chọn để mua được hosting với mức giá tốt nhất nhé!

Trên đây là tổng hợp các thông tin về hosting, bao gồm khái niệm “Hosting là gì?”, các loại hosting, các yếu tố và tính năng bạn cần xem xét khi chọn mua hosting và 5 bí quyết lựa chọn hosting phù hợp với website. Hy vọng bạn sẽ chọn được gói hosting phù hợp và đáp ứng chính xác nhu cầu của website của mình. Không gặp tình trạng dư thừa gây lãng phí tài nguyên và cũng không gặp vấn đề thiếu thốn tài nguyên cần thiết cho website.

Câu hỏi thường gặp

Hosting và Domain khác gì nhau?

Bạn cứ tưởng tượng làm website như mở một cửa hàng kinh doanh cho dễ hiểu.

  • Hosting sẽ là mặt bằng kinh doanh. Vậy hosting chính là không gian lưu trữ mọi dữ liệu cần thiết cho hoạt động của website. Dung lượng  hosting càng lớn, website càng “trưng bày” được nhiều nội dung và phục vụ được nhiều khách truy cập đồng thời mà không gặp tình trạng gián đoạn hay tải chậm.
  • Domain (tên miền) sẽ là địa chỉ của cửa hàng. Vậy domain chính là địa chỉ website. Khách hàng gõ domain của bạn vào thanh địa chỉ để truy cập thẳng vào website. Một tên miền dễ nhớ và liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ giúp khách hàng dễ dàng “ghé thăm” cửa hàng của bạn hơn, tương tự như một cửa hàng ở vị trí đẹp.

Mua hosting cho website có cần thiết không?

Việc mua hosting cho website là rất cần thiết, thậm chí là bắt buộc nếu bạn muốn website của mình có thể hoạt động và truy cập được trên Internet. 

Nên mua hosting Việt Nam hay nước ngoài?

Nếu khách truy cập của bạn đến từ Việt Nam là đa số thì bạn nên mua hosting Việt Nam để website có tốc độ truy cập nhanh hơn.

  • Máy chủ của hosting nước ngoài được đặt ở nước ngoài nên tốc độ sẽ phụ thuộc vào cáp biển. Đường truyền cáp biển lại hay gặp trục trặc và dễ bị đứt.
  • Máy chủ đặt ở trong nước không cần giao tiếp với nhau qua đường cáp biển nên tốc độ xử lý và truyền tải thông tin tốt hơn.

Có nên sử dụng hosting miễn phí?

Hosting miễn phí thường có giới hạn về băng thông, không gian lưu trữ, cấu hình thấp, tốc độ tải trang và bảo mật không được đảm bảo như hosting trả phí. Vì thế nên, đây chỉ là lựa chọn phù hợp cho các website thử nghiệm, môi trường để các bạn đang học về web có thể thao tác và trải nghiệm. Các website để kinh doanh, xây dựng thương hiệu,… nên chọn hosting trả phí từ nhà cung cấp uy tín để đảm bảo an toàn cho website và yên tâm website hoạt động hiệu quả.

Quốc Huy
Viết bởiQuốc Huy

Chào các bạn! Gọi mình là Huy nhé! Huy hiện đang là CEO của công ty Puramu. Với niềm đam mê lập trình từ sớm, mình đã nghiên cứu và tự học lập trình từ năm 2016. Sau nhiều năm làm việc, mình đã thực hiện các dự án website với nhiều mục đích khác nhau như: tin tức, giới thiệu, booking, thương mại điện tử hay các ứng dụng web. Hy vọng những kiến thức và trải nghiệm mình chia sẻ trên website này sẽ giúp ích cho nhiều bạn.

Bài viết liên quan

Tổng hợp tất cả các chi phí cần thiết để duy trì website

Bạn đang dự định làm website? Bạn băn khoăn không biết ngoài chi phí thiết kế website thì còn những khoản chi phí nào cần phải chi trả cho…

Tổng hợp các chi phí để duy trì website
Cập nhật lần cuối:
Chứng chỉ SSL/TLS là gì? Cách chọn chứng chỉ SSL/TLS phù hợp

Chứng chỉ SSL/TLS là chứng chỉ rất cần thiết và quan trọng với website hiện nay. Bạn cần mua chứng chỉ này ngay khi hoàn thiện thiết kế website…

Chứng chỉ SSL là gì?
Cập nhật lần cuối:
FTP là gì? Những điều bạn nên biết về giao thức FTP

FTP là gì? FTP là một thuật ngữ khá phổ biến trong trao đổi dữ liệu. Rất nhiều người đã sử dụng FTP nhưng chưa biết rõ về nó. Do đó trong bài viết…

FTP là gì?
Cập nhật lần cuối:
Theme là gì? Hướng dẫn cài đặt theme WordPress

Puramu đã giới thiệu cho bạn về nền tảng Wordpress và plugin WordPress ở các bài trước. Tiếp nuối chuỗi bài viết khám phá về WordPress, hôm nay Puramu…

Cập nhật lần cuối: