Trong thời đại số hiện nay, công nghệ phát triển mang lại nhiều tiện ích cho chúng ta nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến mất dữ liệu. Do đó, ngày nay bảo vệ dữ liệu trở thành ưu tiên hàng đầu. Puramu hiểu rằng bạn đã trang bị rất nhiều biện pháp để tăng cường bảo mật cho website nhưng bạn đã nghĩ đến việc backup (sao lưu) dữ liệu website chưa? Đây là một hành động đơn giản nhưng có thể cứu cả trang web của bạn khi không may xảy ra sự cố đấy! Trong bài này, Puramu sẽ hướng dẫn bạn cách backup dữ liệu website chi tiết nhất. Cùng đọc nhé!

Backup website là gì?

Backup website hay sao lưu website là hành động sao chép dữ liệu của website để lưu trữ phòng trường hợp xảy ra sự cố. Dữ liệu khi đã sao chép được gọi là dữ liệu dự phòng của website hay bản sao của website. Bạn cần backup website thường xuyên để không xảy ra tình trạng bị mất dữ liệu vĩnh viễn gây thiệt hại đến nguồn tài nguyên và tài chính của bạn.

4 lý do quan trọng của việc thực hiện backup website

1. Phòng trường hợp xảy ra sự cố

Khi website xảy ra sự cố, dữ liệu của website sẽ bị mất hoặc hỏng. Nếu có bản sao lưu website, bạn có thể khôi phục dữ liệu nhanh chóng và dễ dàng. Các sự cố có thể xảy ra như:

  • Các lỗi kỹ thuật như lỗi phần cứng, lỗi phần mềm, máy chủ gặp sự cố,…
  • Website bị các hacker tấn công hay bị tấn công DDoS.
  • Cập nhật WordPress hay cập nhật plugin và theme cho website xảy ra lỗi, xung đột khiến website không hoạt động được.
  • Lỗi người dùng như xoá nhầm dữ liệu hay thao tác sai trên website.

2. Tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh

Khi xảy ra sự cố, website ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp và trải nghiệm người dùng. Những khách hàng cũ của bạn không vào website được khi họ cần. Những khách hàng mới thì không thể tiếp cận được website của bạn. Bản sao lưu website giúp website khôi phục chỉ trong vài giờ thay vì khoảng thời gian dài xây lại website từ đầu.

3. Tiết kiệm thời gian và chi phí

Website không hoạt động được đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã mất đi lượng khách hàng trong thời gian này. Chưa kể, nếu không thể phục hồi dữ liệu website, doanh nghiệp sẽ còn chịu tổn thất lớn hơn. Việc xây dựng lại website và cả SEO từ đầu rất tốn thời gian và chi phí. Bản sao lưu website có sẵn sẽ giảm thiểu thiệt hại này xuống mức thấp nhất cho doanh nghiệp.

4. Bảo vệ dữ liệu website

Dữ liệu trên website có cả dữ liệu của doanh nghiệp (như: nội dung bài viết, mã nguồn website, số liệu kinh doanh trên website,…) và dữ liệu khách hàng/đối tác (thông tin khách hàng, lịch sử giao dịch,…). Các dữ liệu này bị mất sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp. Khi backup website, các dữ liệu này sẽ được tạo bản sao lưu trữ và lấy ra sử dụng khi cần.

Cần lưu ý gì khi backup dữ liệu cho website WordPress?

Để quá trình sao lưu dữ liệu diễn ra suôn sẻ, bạn nên lưu ý một số điều sau:

  • Bạn nên sao lưu dữ liệu định kỳ (hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng) để đảm bảo luôn có bản sao lưu mới nhất khi cần. Nếu website của bạn sản xuất nội dung mới liên tục thì bạn cần sao lưu website thường xuyên như hàng ngày hoặc hàng tuần thay vì hàng tháng.
  • Bạn cần sao lưu website WordPress trước khi cài plugin/theme, nâng cấp plugin/theme, nâng cấp phiên bản cho website hay trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trên website như: thay đổi mã nguồn, cấu hình máy chủ, chuyển sang nhà cung cấp hosting khác,… Các kỹ thuật này có thể gây ra lỗi hay xung đột làm hỏng website.
  • Bạn không nên lưu trữ bản sao lưu website WordPress trên cùng hosting với website. Vì nếu xảy ra sự cố thì dữ liệu của website và bản sao lưu đặt tại cùng một hosting cũng có thể sẽ gặp nguy hiểm. Thế là công sức sao lưu website của bạn coi như công cốc! Bạn nên lưu trữ bản sao lưu ở nhiều nơi như: trên máy tính, ổ cứng ngoài hoặc các dịch vụ lưu trữ đám mây (Google Drive, Dropbox, Amazon S3,…).
  • Bạn nên cài bảo mật cho các bản sao lưu để phòng hờ các kẻ xấu xâm nhập đánh cắp dữ liệu.
  • Để thận trọng, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra tính toàn vẹn của bản sao lưu định kỳ bằng cách thử khôi phục trên môi trường thử nghiệm.

Cách backup dữ liệu website WordPress

Có rất nhiều cách để backup website WordPress nhưng trong khuôn khổ bài viết này, Puramu mạn phép chỉ hướng dẫn bạn các cách backup website WordPress phổ biến nhất và dễ thực hiện nhất.

Backup dữ liệu website WordPress bằng plugin

WordPress hỗ trợ vô số plugin để việc sử dụng website đơn giản hơn cho người dùng. Bạn có thể backup toàn bộ dữ liệu website tự động khi dùng plugin. Nhờ vậy mà việc backup website dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn bao giờ hết. Cách này đặc biệt phù hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là người mới bắt đầu. Một số plugin miễn phí được nhiều người tin dùng như:

  1. UpdraftPlus
  2. All-in-One WP Migration and Backup
  3. BlogVault
  4. BackWPup
  5. Solid Backups (BackupBuddy)
  6. Jetpack VaultPress Backup (VaultPress)
  7. WP Time Capsule
  8. Duplicator

Bạn có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về các tính năng và giá cả của các plugin trên ở đây.

Cách sử dụng chung các plugin này:

  • Bước 1: Cài đặt plugin bạn cần và kích hoạt để sử dụng. Nếu bạn chưa biết cách tải, bạn tham khảo bài viết này nhé!
  • Bước 2: Vào plugin, thiết lập lịch trình/tần suất sao lưu tự động cho website. Sau đó, chọn số lượng bản sao lưu gần đây nhất bạn muốn giữ lại.
  • Bước 3: Chọn nơi lưu trữ sao lưu như: Google Drive, Dropbox, Amazon S3, FTP, email, máy chủ,… Sau đó, bạn làm theo hướng dẫn để liên kết plugin với dịch vụ lưu trữ bạn đã chọn. Thông thường sẽ là đăng nhập và cho phép quyền truy cập.
  • Bước 4: Lưu lại các thiết lập.

Ngoài sử dụng tính năng sao lưu tự động nổi bật của các plugin, bạn cũng có thể vào plugin và chọn sao lưu ngay để bắt đầu quá trình sao lưu luôn khi bạn cần.

Phía dưới đây, Puramu sẽ hướng dẫn cụ thể cách backup website bằng 2 plugin backup phổ biến nhất WordPress là: plugin UpdraftPlus và plugin All-in-One WP Migration and Backup.

Cách backup website WordPress bằng plugin UpdraftPlus

UpdraftPlus là một trong những plugin sao lưu (backup) và phục hồi (restore) website WordPress phổ biến nhất hiện nay. Plugin này cho phép bạn sao lưu toàn bộ trang web của mình bao gồm cơ sở dữ liệu, tệp tin, theme và plugin. Với UpdraftPlus, bạn có thể lên lịch sao lưu tự động và lưu trữ bản sao lưu trên các dịch vụ đám mây như Google Drive, Dropbox, Amazon S3 và nhiều nền tảng khác. Plugin UpdraftPlus giúp việc quản lý và bảo vệ dữ liệu của bạn trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Hướng dẫn sao lưu website wordpress bằng plugin UpdraftPlus:

Bước 1: Cài đặt và kích hoạt plugin UpdraftPlus.

Cài đặt và kích hoạt plugin UpdraftPlus
Cài đặt và kích hoạt plugin UpdraftPlus

Bước 2 (không bắt buộc): Sau khi cài đặt và kích hoạt thành công UpdraftPlus bạn có thể backup website của mình ngay lập tức. Tuy nhiên, UpdraftPlus còn cung cấp nhiều thiết lập rất hữu ích cho việc backup website WordPress của bạn:

  • Files backup schedule: Cài đặt chu kì backup mã nguồn tự động cho website và số lượng bản sao lưu gần nhất sẽ được giữ lại.
  • Database backup schedule: Cài đặt chu kì backup cơ sở dữ liệu tự động cho website và số lượng bản sao lưu gần nhất sẽ được giữ lại.
  • Choose your remote storage: Theo mặc định website của bạn được backup và lưu trữ bản backup đó tại hosting của website. Tuy nhiên, với cài đặt này, bản backup có thể được lưu trữ cùng lúc ở nhiều nơi khác nhau để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của bạn.
  • Include in files backup: Bạn còn có thể chọn được phần mã nguồn nào của website sẽ được backup hoặc không.
Các thiết lập của plugin UpdraftPlus
Các thiết lập của plugin UpdraftPlus

Bước 3: Sau khi hoàn thành các thiết lập, khi quay lại trang “Backup/Restore” của UpdraftPlus, bạn sẽ thấy task backup website đã được lên lịch như đã cài đặt. Bạn có thể chọn “Backup Now” để tiến hành việc backup ngay lập tức. Sau khi quá trình backup hoàn tất, bạn có thể quản lý các bản sao lưu bên dưới như: tải về hay khôi phục bất kì các bản sao lưu nào.

Backup dữ liệu website WordPress với plugin UpdraftPlus
Backup dữ liệu website WordPress với plugin UpdraftPlus

Cách backup website WordPress bằng plugin All-in-One WP Migration and Backup

All-in-One WP Migration and Backup là một plugin WordPress mạnh mẽ giúp bạn sao lưu, di chuyển và khôi phục toàn bộ trang web của mình chỉ với vài bước đơn giản. Plugin này hỗ trợ di chuyển toàn bộ trang web, bao gồm cơ sở dữ liệu, tệp tin, theme, plugin và cả các tập tin phương tiện. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ xuất bản sao lưu ra nhiều định dạng và lưu trữ trên nhiều dịch vụ đám mây.

Bản miễn phí của All-in-One WP Migration and Backup sẽ có phần hạn chế hơn so với plugin UpdraftPlus. Nó không có sẵn các tuỳ chọn backup định kỳ cũng như backup sang nhiều loại hình lưu trữ khác nhau. Tuy nhiên, nhờ vào tính năng nén toàn bộ dữ liệu backup vào một file nên việc quản lí và khôi phục website dễ dàng hơn nhiều so với plugin UpdraftPlus.

Hướng dẫn sao lưu website bằng plugin All-in-One WP Migration and Backup:

Bước 1: Cài đặt và kích hoạt plugin All-in-One WP Migration and Backup.

Cài đặt plugin All-in-One WP Migration and Backup
Cài đặt plugin All-in-One WP Migration and Backup

Bước 2: Bạn truy cập vào phần Export của All-in-One WP Migration and Backup và chọn backup dạng file.

Backup dạng file bằng plugin All-in-One WP Migration and Backup
Backup dạng file bằng plugin All-in-One WP Migration and Backup

Bước 3: Sau khi quá trình backup hoàn tất, bạn có thể tải về bản sao lưu và lưu trữ ở bất kỳ nơi đâu bạn muốn.

Tải về bản sao lưu và lưu trữ ở bất kỳ đâu
Tải về bản sao lưu và lưu trữ ở bất kỳ đâu

Backup dữ liệu website WordPress thủ công

Cách backup thủ công phức tạp hơn so với backup bằng plugin nhưng sẽ phù hợp với các bạn lập trình viên thích sự linh hoạt và kiểm soát được các dữ liệu cần sao lưu.

Cách backup thủ công toàn bộ website WordPress sẽ phức tạp hơn so với cách sử dụng các plugin tự động. Tuy nhiên, nó mang lại sự linh hoạt và kiểm soát chi tiết hơn đảm bảo bạn sẽ có tất cả các thành phần cần thiết để khôi phục trang web trong trường hợp có sự cố xảy ra. Quá trình này bao gồm sao lưu cả cơ sở dữ liệu và mã nguồn của trang web.

Hướng dẫn backup cơ sở dữ liệu website

Bước 1: Truy cập vào phpMyAdmin.

Để truy cập vào phpMyAdmin, bạn cần đăng nhập vào hosting của mình (đa số là cPanel, Plesk hoặc DirectAdmin). Sau đó, bạn tìm kiếm từ khoá “phpMyAdmin”.

Truy cập vào phpMyAdmin trên cPanel
Truy cập vào phpMyAdmin trên cPanel

Bước 2: Tiếp đến, bạn sẽ thấy một danh sách cơ sở dữ liệu trên gói hosting hiện ra. Chọn cơ sở dữ liệu bạn cần backup và nhấn “Xuất” trên thanh công cụ.

Chọn database cần backup và nhấn xuất
Chọn database cần backup và nhấn xuất

Bước 3: Tại mục “Xuất” bạn chọn phương thức xuất là “Nhanh” và chọn định dạng là “SQL” rồi chọn “Xuất” để tiến hành xuất bản backup cơ sở dữ liệu.

Xuất bản backup cơ sở dữ liệu với định dạng SQL
Xuất bản backup cơ sở dữ liệu với định dạng SQL

Thế là bạn đã backup xong cơ sở dữ liệu rồi. Tiếp đến, bạn backup mã nguồn website nữa là xong.

Hướng dẫn backup mã nguồn website

Có 2 cách phổ biến để backup mã nguồn website:

Cách 1: Thông qua File Manager

Bước 1: Truy cập vào công cụ File Manager của hosting.

Công cụ File Manager của cPanel
Công cụ File Manager của cPanel

Bước 2: Tìm đến thư mục chứa mã nguồn website (thường là public_html) và nén tất cả các file lại bằng cách nhấn tổ hợp phím Ctrl+A rồi nhấp chuột phải và chọn “Compress”. Sau khi nén xong, bạn chỉ cần tải file nén và lưu trữ cùng với file database vừa rồi.

Nén toàn bộ mã nguồn website
Nén toàn bộ mã nguồn website
Cách 2: Thông qua FTP

Bước 1: Truy cập vào FTP client của bạn, đăng nhập thông tin FTP để kết nối đến máy chủ.

Đăng nhập vào FTP của máy chủ
Đăng nhập vào FTP của máy chủ

Bước 2: Tìm đến thư mục chứa mã nguồn website (thường là public_html) và download toàn bộ các file về máy (cách này sẽ rất lâu). Để tiết kiệm dung lượng và dễ dàng quản lý, bạn nên nén thư mục vừa tải về thành file zip hoặc tar.gz trước khi tải về.

Tải về toàn bộ mã nguồn website bằng FTP (cách này sẽ rất lâu)
Tải về toàn bộ mã nguồn website bằng FTP (cách này sẽ rất lâu)

Thế là bạn đã sao lưu toàn bộ website thành công. Khi cần phục hồi, bạn upload các file đã nén này lên thư mục gốc website và giải nén là đã phục hồi được đầy đủ dữ liệu cho website.

Trên đây là tất cả các thông tin về backup website WordPress. Hy vọng Puramu đã giúp bạn hiểu chi tiết hơn về backup website cũng như tầm quan trọng của việc này. Chúc bạn backup dữ liệu cho website của mình thành công nhé!