WordPress luôn khuyến nghị người dùng nâng cấp WordPress lên phiên bản mới nhất để đảm bảo website hoạt động hiệu suất và ổn định. Do đó, cập nhật WordPress là kỹ thuật cần thiết và thường gặp khi sử dụng nền tảng này. Vậy bạn đã biết cách cập nhật WordPress chưa? Nếu chưa, hãy đọc bài viết này ngay nhé! Puramu sẽ hướng dẫn bạn toàn bộ quy trình cập nhật phiên bản WordPress chi tiết nhất! Cùng thực hiện nhé!

Cập nhật WordPress có thật sự quan trọng không?

Cập nhật WordPress là việc cần thiết khi sử dụng WordPress. Tuy nhiên, nếu chưa biết có thể bạn sẽ thắc mắc lý do bạn phải nâng cấp phiên bản mới cho WordPress hay “Bạn không cập nhật WordPress thì có ảnh hưởng gì không?”. Puramu sẽ cho bạn biết các lý do bạn cần phải cập nhật WordPress dưới đây nhé!

Tăng cường bảo mật

Bản cập nhật sẽ sửa lỗi và vá các lỗ hỏng bảo mật của phiên bản WordPress cũ giúp website của bạn được bảo mật tốt hơn, bảo vệ trang web khỏi các mối đe dọa an ninh mạng. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng phiên bản cũ của WordPress, trang web của bạn sẽ dễ bị tấn công hơn. Khi đó, website sẽ bị mất dữ liệu và thiệt hại về tài chính.

Tăng cường bảo mật website
Tăng cường bảo mật website

Tính năng mới

Bản cập nhật mới sẽ cập nhật một số tính năng đang có và thêm tính năng mới cho website. Đó có thể là 1 tính năng hữu ích mà bạn đang cần cho website đó! Vì thế, đừng bỏ lỡ nhé! Để biết chi tiết các thay đổi của phiên bản WordPress mới, bạn nhớ đọc tài liệu của bản phát hành mới nhé!

Cải tiến tốc độ và hiệu năng

Bản cập nhật mới sẽ cải tiến tốc độ và hiệu năng của website giúp website tải nhanh và chạy mượt mà hơn. Điều này giúp tăng trải nghiệm người dùng trên website của bạn và cũng góp phần ảnh hưởng tích cực đến SEO của trang web.

Cải tiến tốc độ và hiệu năng
Cải tiến tốc độ và hiệu năng

Tương thích tốt

Bản cập nhật mới sẽ tương thích với các plugin, theme và các công nghệ web (web technologies) mới nhất. Điều này cực kỳ cần thiết nếu bạn đang cần cài plugin hay theme mới vào website. Đa phần các plugin và theme sẽ cố gắng đảm bảo tương thích với phiên bản WordPress mới nhất.

Hỗ trợ

Các nhà phát triển chỉ nhận hỗ trợ phiên bản WordPress mới nhất. Vì lý do đồng nhất nên họ chỉ tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho những phiên bản WordPress mới nhất. Khi phiên bản WordPress của bạn quá cũ, họ có thể không còn đủ thông tin để giúp bạn giải quyết vấn đề. Nếu website của bạn vẫn sử dụng phiên bản cũ của WordPress thì khi gặp sự cố, bạn sẽ khó nhận được sự trợ giúp từ nhà phát triển hoặc cộng đồng WordPress.

Cần lưu ý gì trước khi cập nhật phiên bản WordPress?

Một số việc bạn cần thực hiện trước khi cập nhật WordPress:

  • Bạn nên sao lưu (backup) website trước khi cập nhật WordPress để đề phòng website bị hỏng hay gặp các vấn đề. Nếu không may xảy ra sự cố khi cập nhật WordPress, bạn có thể khôi phục website trở về trạng thái bình thường ngay.
  • Bạn nên cập nhật WordPress vào buổi tối muộn hay vào thời điểm lưu lượng truy cập của trang web thấp nhất để hạn chế ảnh hưởng đến người dùng. Nếu được, bạn nên thông báo trước đến người dùng về khoảng thời gian bảo trì website.
  • Nếu có thời gian bạn nên cập nhật WordPress trên môi trường kiểm thử (staging) trước để xem có lỗi gì xảy ra không hay các plugin có hoạt động tốt trên phiên bản WordPress mới hay không trước khi cập nhật chính thức.

Hướng dẫn cách cập nhật phiên bản WordPress

Cách 1: Cập nhật WordPress tự động trực tiếp ngay tại trang quản trị WordPress

Đây là cách đơn giản nhất để nâng cấp phiên bản mới nhất cho WordPress, đặc biệt phù hợp với người dùng không có nhiều kỹ năng lập trình.

Hướng dẫn:

  • Bước 1: Đăng nhập vào trang quản trị admin WordPress. Tại đây, bạn chọn mục Dashboard rồi chọn Updates, bạn sẽ thấy được phiên bản hiện tại của WordPress cũng như phiên bản mới mà bạn có thể cập nhật.
  • Bước 2: Bạn chỉ cần nhấp chọn “Update to version x.x.x” để cập nhật WordPress lên phiên bản mới.
Cập nhật WordPress từ trang quản trị
Cập nhật WordPress từ trang quản trị

Lúc này, website của bạn sẽ chuyển sang chế độ bảo trì. Khi quá trình cập nhật hoàn tất, website sẽ hoạt động trở lại bình thường. Sau khi cập nhật thành công, WordPress sẽ hiển thị trang cập nhật mới. Tại trang này, bạn có thể cập nhật cả theme và plugin nếu có luôn để hạn chế xảy ra xung đột với phiên bản mới.

Cách 2: Cập nhật phiên bản WordPress thủ công

Phương pháp này giúp bạn kiểm soát hoàn toàn quá trình cập nhật. Đây cũng có thể là phương pháp thay thế khi bạn gặp sự cố với phương pháp cập nhật tự động (cách 1).

Hướng dẫn cập nhật WordPress thủ công:

Bước 1: Bạn cần vào trang web của WordPress để tải về phiên bản WordPress cần nâng cấp (lựa chọn tải file dưới dạng .zip).

Lựa chọn tải định dạng .zip của phiên bản Wordpress mới nhất
Lựa chọn tải định dạng .zip của phiên bản Wordpress mới nhất

Bước 2: Sau khi tải file thành công, bạn vào máy giải nén file đã tải và xoá thư mục wp-content.

Xoá thư mục wp-content
Xoá thư mục wp-content

Bước 3: Mở FTP Client mà bạn đang sử dụng hoặc bạn có thể sử dụng File Manager trên Hosting hay VPS. Sau đó kết nối đến hosting của bạn, truy cập vào thư mục chứa mã nguồn của website. Thông thường sẽ là public_html.

Truy cập đến thư mục chứa mã nguồn website
Truy cập đến thư mục chứa mã nguồn website

Bước 4: Xoá hết tất cả thư mục trừ thư mục wp-content và file wp-config.php. Ngoài ra các file như .htaccess, robots.txt và các file để xác thực website với Google cũng nên được giữ lại.

Xoá hết source code WordPress phiên bản cũ
Xoá hết source code WordPress phiên bản cũ

Bước 5: Upload các file đã tải từ bước 1 lên thư mục này. Quá trình có thể hơi chậm nếu bạn sử dụng FTP do có quá nhiều file cần được upload. Nếu bạn sử dụng File Manager từ các hosting thì bạn nên nén file lại và giải nén sau khi upload lên máy chủ hosting

Upload các file đã tải từ bước 1
Upload các file đã tải từ bước 1

Bước 6: Mở trình duyệt và vào địa chỉ: http://yoursitename/wp-admin/upgrade.php (thay yoursitename bằng tên miền của bạn). Nhấp chọn “Update WordPress Database” nếu có thông báo.

Thông báo Update WordPress database
Thông báo Update WordPress database

Cách 3: Cập nhật phiên bản WordPress bằng Softaculous

Softaculous là một công cụ rất tiện lợi để quản lý các ứng dụng web, bao gồm cả WordPress. Nó cung cấp giao diện đơn giản và dễ sử dụng, giúp bạn có thể cập nhật WordPress chỉ với vài cú nhấp chuột. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách cập nhật WordPress bằng Softaculous:

Hướng dẫn cập nhật WordPress bằng Softaculous:

  • Bước 1: Đăng nhập vào trang quản trị của cPanel hosting.
  • Bước 2: Tìm kiếm và chọn công cụ “WordPress Manager by Softaculous”.
  • Bước 3: Tại đây bạn sẽ thấy danh sách các website sử dụng WordPress trong tài khoản hosting này. Chọn website bạn cần nâng cấp và nhấn vào “Upgrade Now”.
Cập nhật phiên bản WordPress bằng Softaculous
Cập nhật phiên bản WordPress bằng Softaculous

Cập nhật WordPress bằng Softaculous rất đơn giản và nhanh chóng, phù hợp cho cả những người dùng không có nhiều kinh nghiệm kỹ thuật. Softaculous giúp bạn tự động hóa quá trình cập nhật, giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, luôn nhớ sao lưu website trước khi thực hiện bất kỳ cập nhật nào để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của bạn.

Cách 4: Cập nhật phiên bản WordPress bằng WP-CLI

Cập nhật phiên bản WordPress bằng WP-CLI là cách làm nhanh chóng, đơn giản và an toàn, đặc biệt là khi bạn cần cập nhật nhiều trang web cùng lúc.

Cập nhật WordPress bằng WP-CLI
Cập nhật WordPress bằng WP-CLI

Để có thể cập nhật WordPress bằng WP-CLI thì Sever/VPS/Hosting của bạn phải có hỗ trợ cửa sổ dòng lệnh (Command) và đã cài WP-CLI trên máy chủ. Bạn cũng cần phải có quyền truy cập SSH vào máy chủ của bạn.

Hướng dẫn cập nhật WordPress bằng WP-CLI:

Bước 1: Mở terminal hoặc cửa sổ dòng lệnh.

Bước 2: Sử dụng lệnh cd để điều hướng đến thư mục chứa mã nguồn website. Ví dụ:

cd /home/puramu/public_html

Bước 3: Kiểm tra phiên bản WordPress hiện tại của bạn bằng lệnh:

wp core version

Bước 4: Kiểm tra xem có phiên bản WordPress mới nào khả dụng không:

wp core check-update

Bước 5: Cập nhật WordPress lên phiên bản mới nhất bằng lệnh:

wp core update

Bước 6: Sau khi cập nhật WordPress thành công, bạn cần cập nhật cơ sở dữ liệu nếu có yêu cầu. Sử dụng lệnh sau để cập nhật cơ sở dữ liệu:

wp core update-db

Sử dụng WP-CLI để cập nhật WordPress không chỉ nhanh chóng mà còn giúp bạn quản lý quá trình cập nhật một cách hiệu quả hơn, đặc biệt khi cần cập nhật nhiều trang web cùng lúc. Đừng quên sao lưu toàn bộ dữ liệu trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào để đảm bảo an toàn cho trang web của bạn.

Cần lưu ý gì sau khi cập nhật phiên bản WordPress?

Sau khi đã nâng cấp WordPress thành công, bạn cần kiểm tra một lượt toàn bộ trang web để đảm bảo mọi thứ hoạt động ổn định. Dưới đây là danh sách các việc bạn cần làm:

Kiểm tra và cập nhật plugin và theme

Bạn cần cập nhật plugin và theme nếu có phiên bản mới để đảm bảo plugin và theme tương thích với phiên bản mới của trang web. Các plugin và theme còn lại cũng cần được kiểm tra xem có tương thích với phiên bản WordPress mới cập nhật không.

Cách cập nhật plugin và theme cũng rất đơn giản. Tại trang quản trị admin, bạn nhấp vào mục Dashboard -> Updates. Tại đây, bạn sẽ thấy các plugin và theme cần cập nhật. Tiếp theo, bạn nhấp vào Select All -> Update Plugins hay Update Themes để cập nhật tất cả plugin và theme. Hoặc bạn có thể xem bài viết này để được hướng dẫn chi tiết cách cập nhật plugin và các lưu ý đi kèm.

Xoá bộ nhớ cache

Nếu bạn có sử dụng cache hay CDN, bạn cần xoá bộ nhớ cache để đảm bảo trang web hiển thị phiên bản mới nhất. Nếu chưa biết cách thực hiện, bạn có thể tham khảo bài này.

Kiểm tra toàn bộ website

Bạn cần truy cập vào tất cả các trang trên trang web để xem các trang có hiển thị đúng và các tính năng trên trang có hoạt động đúng không. Sẵn tiện, bạn nhớ để ý xem tốc độ tải trang có bị chậm đi không nhé!

Tổng kết

Trên đây là tất cả những việc bạn cần thực hiện khi cập nhật WordPress. Nếu bạn chưa làm được hay có thắc mắc nào ở các hướng dẫn trên, đừng ngần ngại liên hệ Puramu nhé! Chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn. Chúc bạn thực hiện thành công!