Mọi người thường ví xây dựng wireframe trong thiết kế giống như xây phần móng cho ngôi nhà vậy. Còn với Puramu, tạo wireframe trước khi thiết kế website hay ứng dụng là tiền đề để tối ưu User Flow và tạo ra một sản phẩm chuẩn UX. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các thông tin quan trọng xoay quanh khái niệm wireframe là gì một cách dễ hiểu nhất.
Wireframe là gì?
Wireframe còn có tên gọi khác là: Sơ đồ trang, bản thiết kế màn hình. Vậy wireframe là gì?
Wireframe là một bản vẽ cơ bản về cấu trúc, bố cục của trang web hay ứng dụng thể hiện qua các khối và đáp ứng được yếu tố UX. Nó giống như khung sườn của một bản thiết kế. Một wireframe hoàn chỉnh sẽ bao gồm các yếu tố sau:
- Cấu trúc trang: Vị trí các Header, Footer, thanh menu, Form liên hệ,…
- Nội dung: Vị trí, độ dài văn bản trên từng trang.
- Hệ thống phân cấp thông tin: Trình tự các thông tin được tổ chức và hiển thị.
- Trang chức năng: Giao diện của các trang chức năng.
- Hành vi: Cách người dùng tương tác với giao diện.
Vì thế, khi nhìn vào wireframe bạn sẽ biết được giao diện trang ra sao, có những thành phần nào trên trang. Wireframe còn được xem như là công cụ thiết kế web ở cấp độ cấu trúc: thiết kế giao diện và thiết lập cấu trúc cơ bản của website trước khi đi vào thiết kế trực quan.
Tuy nhiên, Wireframe là sơ đồ phẳng (2D) nên sẽ không hiệu quả nếu bạn muốn hiển thị các tính năng tương tác của giao diện như: trình đơn thả xuống, trạng thái di chuột hay tính năng accordion đóng mở nội dung ẩn.
Wireframe được thiết kế từ đầu để thiết lập cấu trúc cơ bản cho trang web trước khi đi vào quá trình thiết kế trực quan và thêm nội dung. Điều này tương tự như việc xây nhà phải xây phần móng trước. Hoặc việc dựng khối trước khi vẽ một bức tranh.
Lợi ích của việc sử dụng Wireframe trong thiết kế là gì?
Tập trung vào trải nghiệm người dùng
Wireframe chỉ thể hiện vị trí, kích thước của những khối trắng đen và các chi tiết đơn giản. Do đó, khi thiết kế sẽ tập trung hoàn toàn vào cấu trúc trang và cách người dùng thao tác. Bạn sẽ không bị phân tâm bởi những chi tiết khác như đồ hoạ, màu sắc, kiểu chữ,… Xây dựng cấu trúc website tốt đem đến trải nghiệm và đáp ứng tốt cho người dùng.
Wireframe sẽ giúp hoàn thiện bố cục trang, luồng người dùng (UX) tiền đề cho bước sau chỉ tập trung vào thiết kế giao diện người dùng (thiết kế UI). Đồng thời cũng tăng cơ hội xếp thứ hạng cao trong trang kết quả tìm kiếm nhờ giảm tỉ lệ thoát trang và tăng thời gian ở lại trang.
Công cụ giao tiếp giữa các bên liên quan
Để tạo nên website hoàn chỉnh cần sự phối hợp của nhiều bộ phận với nhau. Wireframe được xem là công cụ đắc lực để các developer, product manager, content và designer có thể giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau. Có wireframe mọi người sẽ dễ dàng trao đổi, thống nhất vị trí các thành phần trước khi đi vào thiết kế chi tiết và lập trình tạo website.
Trong trường hợp khách hàng không có nhiều kiến thức về website hay còn phân vân về bố cục, giao diện web, bạn cần phải trao đổi với khách hàng qua wireframe. Tạo wireframe nhanh và nếu có thay đổi cũng dễ chỉnh sửa hơn so với việc khách hàng yêu cầu thay đổi lại khi đã có bản thiết kế hoàn tất.
Tuy nhiên, wireframe là bản phác thảo thô không chứa các chi tiết. Với một người không phải trong ngành thiết kế, họ sẽ không hiểu và khó hình dung, tưởng tượng ra website hoàn chỉnh sẽ ra sao. Lúc này, bạn cần đóng vai là một phiên dịch viên, giải thích và chỉ ra từng khối trong bản vẽ là gì. Đây có thể được xem là buổi chốt lại giao diện và cấu trúc website với khách hàng.
Tiết kiệm thời gian, công sức
Wireframe giúp bạn dễ dàng hình dung được giao diện, cấu trúc website và đưa ra hướng chỉnh sửa, phát triển phù hợp. Wireframe là một sơ đồ tối giản các chi tiết đồ hoạ nên việc chỉnh sửa cũng nhanh và đơn giản hơn so với chỉnh sửa trên bản thiết kế hoàn chỉnh. Ngoài ra, việc điều chỉnh dễ dàng sẽ giúp các designer có thể thử nghiệm biến hoá nhiều ý tưởng của mình và chọn ra thiết kế tốt nhất.
Các designer còn nhìn ra được lỗ hổng trong thiết kế web từ wireframe. Do đó, kiểm soát và hạn chế được lỗi, rủi ro có thể xảy ra. Cải tiến, thay đổi một chức năng hay thành phần ở bước đầu sẽ đơn giản, không ảnh hưởng đến các phần khác. Vì thế sẽ tiết kiệm, rút ngắn thời gian và công sức hơn.
Điểm khác biệt giữa Wireframe và Sketch là gì?
Wireframe không phải là bản phác thảo hay bản nháp (sketch). Sketch sẽ thể hiện chi tiết các vị trí, vai trò và chức năng của từng thành phần trong trang. Còn wireframe sẽ nhấn mạnh phác thảo cấu trúc chính, các hạng mục lớn và yếu tố quan trọng trong giao diện. Khi bản sketch hoàn tất, các designer mới bắt tay vào thiết kế wireframe.
Bố cục các thành phần và thông tin trong wireframe được sắp xếp có tổ chức. Nó phải giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong giao diện khi khách hàng truy cập. Nhìn vào wireframe, bạn sẽ nắm được cấu trúc trang web và luồng thao tác của người dùng cũng như biết rõ các chức năng, vị trí, vai trò của từng thành phần.
Các dạng Wireframe bạn có thể sử dụng
Có ba dạng wireframe:
- Low-fidelity (mức độ chân thật thấp)
- Mid-fidelity (mức độ chân thật trung bình)
- High-fidelity wireframe (mức độ chân thật cao).
Ba dạng này nhằm phân loại wireframe về mức độ sát với thực tế so với website hoàn thiện. Wireframe càng chi tiết, càng giống với website thực tế thì mức độ chân thật càng cao và ngược lại.
Block diagrams
Block diagrams là giai đoạn đầu của thiết kế wireframe nên nó khá thô. Nó được xếp vào dạng low-fidelity wireframe. Block diagram chỉ gồm các sơ đồ khối thể hiện các thông tin cơ bản nhất như: bố cục, các loại nội dung hoặc các chức năng cơ bản.
Block diagrams thích hợp để sàng lọc ý tưởng, nắm bắt cấu trúc cơ bản, định hình luồng điều hướng người dùng trên trang web hay lập sơ đồ User Flow. Khi bạn có quá nhiều ý tưởng trong đầu và cần quyết định nhanh hướng đi cho wireframe thì block diagrams là chọn lựa thích hợp nhất cho bạn.
Grey boxes
Grey boxes thuộc dạng mid-fidelity wireframe. Nó cho phép thêm màu xám vào các khối để làm nổi bật bố cục và phân tầng thông tin. Để nhấn mạnh hành động, nội dung quan trọng hoặc luồng điều hướng người dùng, bạn thêm sắc xám vào các background, nút hay đoạn văn. Nó giảm bớt sự nhàm chán ở wireframe truyền thống. Ngoài ra, còn tiết kiệm thời gian lựa chọn màu sắc.
High-Fidelity Media
High-Fidelity Media cho phép chèn hình ảnh, video và các đa phương tiện thực tế vào wireframe để tăng cao tính chân thật.
High-Fidelity Text
Thay vì hiển thị “lorem ipsum” cho các khối nội dung thì High-Fidelity Text sẽ chứa những văn bản thật. Điều này giúp các thiết kế hiểu rõ về thông điệp của sản phẩm. Ngoài ra, còn có thể tinh chỉnh chiều dài đoạn văn, font chữ,…
High-Fidelity Color
High-Fidelity Color cho phép thêm màu sắc vào background, nút, đoạn văn để sát với hình ảnh thực tế nhất của website. Ngoài ra, một số nhà thiết kế còn dùng màu đỏ để biểu thị cảnh báo hoặc thông báo lỗi, màu xanh đậm để biểu thị liên kết đang hoạt động.
Tuy nhiên, bạn không cần quá chú tâm vào các yếu tố chi tiết và nên chọn màu sắc hài hoà với nhau. Đừng để người xem bị mất tập trung bởi màu sắc và các yếu tố quá nhiều.
Top 4 công cụ thiết kế Wireframe hữu ích hiện nay
Wireframe được cấu tạo từ những chi tiết đơn giản nhất. Chỉ với một cây bút, tờ giấy và thước là bạn có thể nhanh chóng vẽ ra một bản wireframe gần như đầy đủ các thành phần.
Đối với các dự án có quy mô lớn, phức tạp hơn, cần nhiều chi tiết và độ chính xác cao, bạn cần phải sử dụng các công cụ kỹ thuật số. Các phần mềm này giúp bạn thiết kế nhanh hơn và trình bày đẹp mắt hơn. Ngoài ra, mọi người chuyển từ vẽ tay sang sử dụng phần mềm còn chính do tính năng lưu trữ và chia sẻ với mọi người. Cùng xem các phần mềm Puramu gợi ý cho bạn bên dưới nhé!
Adobe XD
Có thể nói Adobe XD thân thiện với cả người mới bắt đầu thiết kế và những người đã chinh chiến nhiều trong ngành. Giao diện đơn giản, dễ sử dụng phù hợp với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thiết kế. Cách sử dụng thì lại tương tự Photoshop, Illustrator nên những bạn có kinh nghiệm thiết kế sẽ ít gặp khó khăn khi mới làm quen, sử dụng công cụ này.
Adobe XD hỗ trợ bộ UI kit miễn phí nên bạn có thể tạo ra bản wireframe với các mức độ chân thật khác nhau. Bạn còn có thể thực hiện được tất cả các quy trình thiết kế UX: từ thiết kế wireframe đến mockup cho đến thiết kế prototype chỉ với một phần mềm này.
Sketch
Sketch ra mắt vào năm 2010 và đã trở thành công cụ quen thuộc với người dùng sử dụng hệ điều hành IOS, máy MacOS. Đây là công cụ thiết kế sử dụng vector. Sketch được đánh giá là giao diện đơn giản so với các phần mềm cũng chuyên về thiết kế vector như Affinity Designer, Adobe Illustrator. Bạn sẽ nhanh chóng tạo ra bản wireframe nhờ sự kết hợp của artboard và các vector.
Ngoài ra, bạn còn có thể tận dụng nguồn tài nguyên đồ sộ được chia sẻ bởi các thành viên trong cộng đồng. Nhược điểm duy nhất là bạn không thể sử dụng được Sketch nếu bạn đang sử dụng máy hệ điều hành Window.
Figma
Figma chắc chắn là một trong những công cụ phổ biến với dân thiết kế. Đây là công cụ tối ưu nhất vì tính linh hoạt và có thể thoả mãn mọi nhu cầu thiết kế. Phần mềm này chứa nhiều tính năng hữu ích giúp bạn tổ chức, sắp xếp các thành phần trong wireframe theo thứ tự logic.
Figma phù hợp cho cả designer tự do hoặc một team designer trong công ty nhờ vào tính năng cho phép cộng tác giữa các thành viên trong nhóm. Giờ đây, nhiều người có thể cùng đăng nhập, chỉnh sửa thiết kế của nhóm và để lại nhận xét về các vấn đề trong bản thiết kế cho đồng nghiệp.
Balsamiq
Khác với những công cụ trên, Balsamiq được thiết kế chuyên biệt để tạo wireframe. Nó hỗ trợ tạo bất kỳ loại wireframe nào. Phần mềm này khá dễ sử dụng nên phù hợp với những người chưa có kinh nghiệm thiết kế UX/UI. Công cụ này giúp bạn tập trung vào bố cục, thiết kế tương tác trực quan và kiến trúc thông tin cơ bản hơn là chất lượng thẩm mỹ.
Balsamiq cung cấp tính năng static canvas cho phép bạn dễ dàng kéo và thả, căn chỉnh tự động. Tính năng này rất lý tưởng với người mới bắt đầu. Bạn không phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu các công cụ thiết kế phức tạp khác.
Cách thiết lập wireframe hiệu quả
Thiết kế Wireframe là một bước rất quan trọng trong bất kỳ quá trình thiết kế giao diện nào. Dưới đây Puramu sẽ liệt kê một vài câu hỏi để bạn định hình những điều cần thực hiện trước khi xây dựng Wireframe:
- Vẽ chân dung người dùng của bạn: Họ là ai, họ có thói quen tương tác với giao diện, website như thế nào?
- Cấu trúc của website ở đầu trang (header), chân trang (footer), thanh bên (sidebar),… như thế nào?
- Nội dung gì sẽ hiển thị ở từng trang hoặc thành phần?
- Cách thức hiển thị phù hợp ra sao?
- Giao diện hoạt động như thế nào?
Sau đó, hãy tiến hành theo các bước sau để thiết lập Wireframe hoàn chỉnh:
- Khai thác ý tưởng
- Tạo lập quy trình
- Lựa chọn công cụ thiết kế wireframe
- Xác định bố cục
- Xác định phân cấp thông tin
- Tinh chỉnh chi tiết
- Chuyển đổi wireframe thành giao diện trực quan
Qua bài viết này chắc hẳn bạn đã biết rõ wireframe là gì. Không thể phủ nhận, wireframe là công cụ quan trọng trong quá trình thiết kế và phát triển sản phẩm. Bạn sẽ dễ dàng hình dung được cấu trúc và giao diện sơ bộ cho website. Thiết lập wireframe cũng không mất quá nhiều thời gian cho bạn nhưng lại mang kết quả tuyệt vời cho website. Hãy thử các công cụ mà Puramu gợi ý ở trên để tạo ra những wireframe có độ chi tiết, chân thật cao nhé!