Kiến thức

Hướng dẫn xây dựng nội dung từng trang cho website giới thiệu

Cập nhật lần cuối:
Nội dung website giới thiệu

Ngày nay, 99% người dùng tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Website chính là nơi khách hàng ưu tiên tìm đến hàng đầu vì trên website sẽ có đầy đủ nhất các thông tin từ doanh nghiệp cho đến sản phẩm. Vậy doanh nghiệp cần xây dựng nội dung cho website giới thiệu như thế nào để có thể vừa cung cấp đầy đủ thông tin nhất vừa có thể cho khách hàng thấy doanh nghiệp chính là lựa chọn tốt nhất của họ? Hãy đọc tiếp để xem Puramu hướng dẫn cách xây dựng nội dung từng trang cho website giới thiệu nhé!

Trang chủ

Trang chủ là trang đầu tiên của website – nơi khách hàng tiếp cận website đầu tiên rồi mới đến những trang khác. Có thể nói, Trang chủ là bộ mặt của một website. Do đó, trang chủ cần có giao diện đẹp, ấn tượng để thu hút khách hàng ở lại khám phá website lâu hơn. Nếu không làm được điều đó thì bạn không còn cơ hội nào khác nữa đâu. Tốt nhất là Trang chủ nên phản ánh rõ phong cách, cá tính của thương hiệu.

Những thông tin cần có trên Trang chủ:

Giới thiệu tổng quan về doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh

Trang chủ cần cung cấp cái nhìn tổng quan về công ty tới khách hàng, cho khách hàng biết bạn là ai, bạn đang cung cấp dịch vụ gì và bạn giúp họ như thế nào. Bạn cần chọn lọc ra những thông tin đặc sắc nhất của doanh nghiệp và trình bày một cách ngắn gọn. Tương tự như vậy, những sản phẩm nổi bật, mới nhất, best seller của doanh nghiệp cũng nên được đặt khéo léo trên Trang chủ nhé!

Ví dụ về giới thiệu sơ bộ dịch vụ của doanh nghiệp trên Trang chủ của Puramu
Ví dụ về giới thiệu sơ bộ dịch vụ của doanh nghiệp trên Trang chủ của Puramu

Bằng chứng xã hội

Bằng chứng xã hội là những đánh giá từ khách hàng đã sử dụng dịch vụ của bạn hay những nghiên cứu chứng minh sản phẩm, thành phần sản phẩm mang lại giá trị doanh nghiệp đang hướng đến. Khi bạn nói bạn làm tốt khách hàng có thể không tin nhưng một khách hàng đã sử dụng dịch vụ nói hay từ một nghiên cứu hẳn hoi họ chắc chắn tin. Vì thế, bằng chứng xã hội giúp tăng độ tin cậy mạnh mẽ đối với khách hàng. Bạn có thể thêm bằng chứng xã hội thông qua đánh giá từ khách hàng, khách hàng nói gì về bạn, hình ảnh before-after của khách hàng, thành quả sản phẩm, logo công ty khách hàng/đối tác đã sử dụng dịch vụ, dẫn chứng nghiên cứu,…

Thành tích, thành tựu

Tương tự như bằng chứng xã hội, những thành tích của công ty bạn giúp tạo niềm tin và ấn tượng mạnh mẽ cho khách hàng. Thương hiệu bạn đã có thành tích gì, hãy cho khách hàng biết nhé!

Tin tức hoặc Blog

Bạn có thể hiển thị các tin tức hay bài blog mới nhất trên Trang chủ. Những tin tức về hoạt động của doanh nghiệp hay bài viết mới nhất có thể thu hút sự quan tâm của khách truy cập. Thêm vào đó, các bài viết về kiến thức trong lĩnh vực sẽ cho thấy doanh nghiệp có chuyên môn và sự am hiểu trong lĩnh vực, đáng tin cậy với khách hàng.

Lưu ý: Bạn đừng quên đặt các CTA phù hợp trên Trang chủ để kích thích người dùng thực hiện hành động như: “Tìm Hiểu Thêm”, “Liên Hệ Ngay”, “Xem Sản Phẩm/Dịch Vụ”, “Đăng Ký Nhận Tin”, “Tải Brochure” hoặc “Xem Video Giới Thiệu”,…

Trang Giới thiệu (About us)

Trong khi Trang chủ là những dòng giới thiệu cơ bản về công ty thì trang Giới thiệu lại là trang cung cấp thông tin chi tiết và sâu sắc về công ty. Đây không chỉ là trang để bạn chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện, thành tựu của doanh nghiệp mà còn là nơi để bạn xây dựng niềm tin với khách hàng. Một nghiên cứu về lòng tin khách hàng cho thấy khách hàng thường truy cập trang Giới thiệu trước khi ra quyết định mua hàng. Họ sẽ chỉ mua hàng ở những thương hiệu mang lại cảm giác tin tưởng cho họ mà thôi!

Các nội dung chính cần có trong trang Giới thiệu để khách hàng có thể hiểu rõ hơn về doanh nghiệp như:

Lịch sử hình thành và phát triển

Hiện nay, các công ty chuộng cách gọi “Câu chuyện thương hiệu” (Brand Story) hơn. Cũng bởi lẽ, nó nghe gần gũi với người dùng hơn. Hãy kể cho khách hàng nghe câu chuyện hình thành công ty theo dàn ý sau:

  • Giới thiệu hoàn cảnh: Kể về thực trạng lúc đó, các vấn đề trong lĩnh vực kinh doanh của bạn. Hoặc mô tả các trường hợp, tình huống khách hàng gặp phải để họ dễ dàng nắm bắt vấn đề hơn.
  • Giới thiệu vấn đề: Mô tả vấn đề cụ thể thôi thúc bạn thành lập doanh nghiệp để khách hàng hiểu rõ hơn về động cơ và sứ mệnh của doanh nghiệp.
  • Những thách thức và giải pháp: Kể về cách doanh nghiệp của bạn phát triển và vượt qua những khó khăn để cung cấp giải pháp cho khách hàng.
Lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu
Lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu

Sứ mệnh & Tầm nhìn

Nối tiếp với Câu chuyện thương hiệu, hãy cho mọi người biết mục tiêu và định hướng phát triển lâu dài của công ty. Đây là điều mà khách hàng, đối tác hay cả nhân sự tương lai của bạn sẽ quan tâm đấy!

Giá trị cốt lõi và Văn hóa công ty

Phần này sẽ giúp mọi người hiểu hơn về tinh thần thương hiệu và phong cách làm việc của doanh nghiệp.

Đội ngũ nhân sự

Giới thiệu ngắn gọn (Tên, chức vụ, kinh nghiệm,…) về ban lãnh đạo và quản lý. Khách hàng sẽ cảm thấy an tâm hơn về những gì bạn có thể làm được cho họ.

Giới thiệu đội ngũ nhân sự của công ty
Giới thiệu đội ngũ nhân sự của công ty

Cột mốc phát triển và Thành tựu

Kể về các cột mốc phát triển hay những cột mốc quan trọng mà doanh nghiệp đã đạt được. Bạn cũng nên liệt kê các thành tựu, thành tích, giải thưởng, chứng nhận mà công ty đã đạt được (nếu có). Những thông tin này sẽ phản ánh năng lực và kinh nghiệm của công ty góp phần tăng sự tin tưởng với khách hàng.

Cam kết với khách hàng và Trách nhiệm xã hội

Mô tả các cam kết của công ty về chất lượng, dịch vụ, cách hoạt động,… và cách công ty thực hiện trách nhiệm xã hội, như các hoạt động cộng đồng hoặc môi trường.

Hình ảnh và video

Trong trang Giới thiệu, bạn nên ưu tiên sử dụng các hình ảnh hay video giới thiệu về môi trường làm việc, nhân sự, các sự kiện, hoạt động của công ty để đem lại cái nhìn thực tế về công ty tới khách hàng.

Lưu ý: Với trang Giới thiệu, bạn có thể đặt các CTA khuyến khích khách hàng xem sản phẩm, đọc blog để tiếp tục hành trình trên trang web hoặc xem trang Tuyển dụng để chiêu mộ các nhân sự tương lai.

Trang Sản phẩm/Dịch vụ

Trang Sản phẩm/Dịch vụ là trang giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đến khách hàng. Website là nơi chứa đầy đủ thông tin của doanh nghiệp nhất, kể cả sản phẩm. Vì thế, mặc dù bạn không có dự định bán hàng trên website, bạn cũng cần mô tả đầy đủ và chi tiết nhất sản phẩm/dịch vụ của bạn. Có như vậy, người dùng mới có thể thuận tiện tìm kiếm thông tin và tăng sự chuyên nghiệp của công ty.

Với website giới thiệu, trang Sản phẩm/Dịch vụ sẽ không có các tính năng bán hàng như giỏ hàng, thanh toán thẻ,… Đối với sản phẩm, bạn cần sắp xếp chúng vào các danh mục rõ ràng kèm theo đó là hình ảnh sản phẩm đẹp mắt và mô tả chi tiết. Đối với dịch vụ, bạn cần mô tả chi tiết dịch vụ mà bạn đang cung cấp, các lý do khách hàng nên chọn bạn, giải pháp của bạn giúp gì được cho họ,…

Lưu ý: Bạn đừng quên đặt các CTA phù hợp trên Trang Sản phẩm/Dịch vụ để tăng tỉ lệ chuyển đổi cho website như: “Mua Ngay”, “Yêu Cầu Báo Giá”, “Đặt Lịch Hẹn”, “Tìm Hiểu Thêm” về tính năng cụ thể hoặc “Xem Đánh Giá” từ khách hàng,…

Giới thiệu sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp
Giới thiệu sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp

Trang Liên hệ

Trang Liên hệ là trang cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ của công ty giúp khách hàng có thể liên hệ, kết nối với công ty qua nhiều hình thức khác nhau. Các thông tin cần có trong trang Liên hệ bao gồm:

  • Form liên hệ: Là form để người dùng nhập các thông tin cơ bản, yêu cầu của họ và được gửi đến mail của công ty. Bạn nên tạo các trường thông tin đơn giản tránh làm người dùng cảm thấy phiền phức, bỏ cuộc giữa chừng. Ngoài ra, form liên hệ còn có thể được đặt ở Trang chủ, trang Sản phẩm/Dịch vụ, sau câu hỏi thường gặp (FAQ), footer để người dùng có thể dễ tìm thấy và được hỗ trợ kịp thời.
  • Thông tin liên hệ của công ty: Tên công ty, số điện thoại, trụ sở văn phòng, hệ thống chi nhánh/cửa hàng, email, thời gian làm việc.
  • Bản đồ: Nhúng bản đồ vào trang web để người dùng tìm kiếm địa điểm của công ty nhanh hơn. Đây là tính năng khá quan trọng với các cửa hàng và tăng tính xác thực cho doanh nghiệp.

Lưu ý: Bạn đừng quên đặt các CTA phù hợp trên trang Liên hệ để khuyến khích người dùng thực hiện hành động như: “Gửi Tin Nhắn”, “Gọi Ngay”, “Gửi Email”, “Xem Bản Đồ” hoặc “Tải xuống Hướng Dẫn Đường Đi”,…

Form liên hệ với doanh nghiệp
Form liên hệ với doanh nghiệp

Trang Tuyển dụng

Trang Tuyển dụng không chỉ là trang liệt kê những vị trí công việc công ty đang tuyển dụng mà còn là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng. Khi doanh nghiệp thể hiện doanh nghiệp là một nơi làm việc lý tưởng thì khả năng thu hút các ứng viên tài năng sẽ càng cao. Ngoài ra, các vị trí tuyển dụng được đăng trực tiếp trên trang web là nguồn thông tin tuyển dụng uy tín đối với ứng viên, nhất là đối với các công việc Part-time, Work From Home hay gặp tình trạng lừa đảo.

Những nội dung cần có trên trang Tuyển dụng:

  • Giới thiệu công ty: Giới thiệu ngắn gọn về công ty, sứ mệnh, văn hóa công ty và môi trường làm việc.
  • Các hoạt động, sự kiện của công ty.
  • Danh sách các vị trí tuyển dụng. Với mỗi vị trí tuyển dụng sẽ cần có các thông tin như: số lượng tuyển dụng, mô tả công việc, yêu cầu công việc, mức lương, hạn tuyển dụng, quy trình & cách thức ứng tuyển, quyền lợi, chế độ phúc lợi, thông tin liên hệ, hỗ trợ.
Thông tin tuyển dụng trên website
Thông tin tuyển dụng trên website

Ngoài ra, bạn có thể thêm tính năng upload CV ngay trực tiếp trên trang này để thuận tiện cho các ứng viên hơn. Đây cũng là cách để bạn tạo ấn tượng và sự chuyên nghiệp với các ứng viên. Tính năng này còn có thể tích hợp với các công cụ tự động phân tích CV giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả sàng lọc ứng viên cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính năng này có thể khiến việc quản lý hệ thống phức tạp và tốn kém với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lưu ý: Bạn đừng quên đặt các CTA phù hợp trên trang Tuyển dụng để hướng dẫn người dùng thực hiện hành động như: “Ứng Tuyển Ngay”, “Tải xuống Mô Tả Công Việc”, “Tìm Hiểu Về Quyền Lợi” hoặc “Gặp Gỡ Đội Ngũ”,…

Trang Tin tức, Blog

Trang Tin tức hay trang Blog là trang cập nhật các tin tức về doanh nghiệp hay cung cấp kiến thức, thông tin về ngành doanh nghiệp đang hoạt động, sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp đang cung cấp. Thông qua trang Tin tức hay Blog, bạn có thể cung cấp kiến thức hữu ích cho độc giả, tăng sự kết nối với khách hàng. Còn khách hàng thì có thể cập nhật các hoạt động của doanh nghiệp hay có thể đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp theo thời gian hay giải đáp được các thắc mắc của họ về sản phẩm/dịch vụ một cách cặn kẽ hơn.

Tin tức trên website giới thiệu
Tin tức trên website giới thiệu

Nên nhớ rằng để trang Tin tức/Blog được đầy đủ nhất bạn cần duy trì tạo và cập nhật bài viết trong một khoảng thời gian đủ dài. Đổi lại, bạn sẽ có được vị thế thương hiệu vững chắc. Tại sao ư? Các bài blog chính là cách để trang web xếp thứ hạng cao trên SERPs. Thương hiệu của bạn sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Bạn cũng đừng quên tạo các danh mục riêng biệt để người dùng có thể dễ dàng tìm nội dung họ cần. Việc này cũng giúp website có cấu trúc tốt hơn.

Kết luận

Trong hướng dẫn này, Puramu đã cố gắng liệt kê đầy đủ các nội dung cần có trong từng trang trên website. Bạn có thể sử dụng toàn bộ nội dung Puramu đã gợi ý, thậm chí là thêm hoặc bớt nội dung. Hãy cứ thoải mái sáng tạo và điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với doanh nghiệp nhất và phản ánh đúng giá trị và thông điệp của thương hiệu nhất nhé! Mỗi doanh nghiệp là duy nhất và không có công thức cố định nào cho sự thành công cả.

Mỗi trang trên website là một mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh tổng thể về doanh nghiệp của bạn. Hãy nhớ rằng, mỗi từ, mỗi hình ảnh bạn chọn đều góp phần vào việc kể câu chuyện về doanh nghiệp của bạn. Chính những câu chuyện ấy sẽ tạo nên sự khác biệt, giúp bạn nổi bật và kết nối sâu sắc hơn với khách hàng của mình.

Puramu luôn khuyên mọi người nên tạo và xây dựng nội dung cho website trước khi thiết kế website để mọi thứ có thể hoàn thiện trơn tru và trọn vẹn nhất. Nhưng chúng tôi cũng hiểu việc này không hề đơn giản. Hy vọng, các hướng dẫn xây dựng nội dung từng trang cho website giới thiệu bên trên của Puramu có thể giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng nội dung cho website giới thiệu của mình. Chúc các bạn thành công gặt hái được một website không chỉ đẹp mắt mà còn hiệu quả về mặt nội dung!

Quốc Huy
Viết bởiQuốc Huy

Chào các bạn! Gọi mình là Huy nhé! Huy hiện đang là CEO của công ty Puramu. Với niềm đam mê lập trình từ sớm, mình đã nghiên cứu và tự học lập trình từ năm 2016. Sau nhiều năm làm việc, mình đã thực hiện các dự án website với nhiều mục đích khác nhau như: tin tức, giới thiệu, booking, thương mại điện tử hay các ứng dụng web. Hy vọng những kiến thức và trải nghiệm mình chia sẻ trên website này sẽ giúp ích cho nhiều bạn.

Bài viết liên quan

Chọn thiết kế website theo mẫu hay thiết kế website theo yêu cầu

Khi quyết định thiết kế website chắc hẳn đại đa số mọi người sẽ cân nhắc giữa thiết kế website theo mẫu với thiết kế website theo yêu cầu. Và không biết…

Thiết kế website theo mẫu hay theo yêu cầu
Cập nhật lần cuối:
Những thành phần không thể thiếu trên giao diện website

Bạn có bao giờ tự hỏi: “Một giao diện cơ bản của website sẽ có những thành phần nào” khi dự định thiết kế website chưa? Chắc chắn là có nhỉ…

Những thành phần không thể thiếu trên website
Cập nhật lần cuối:
Cần chuẩn bị gì trước khi thiết kế website?

Một trong những việc bạn phải làm khi mới bắt đầy xây dựng thương hiệu đó chính là tạo website. Không phải ai cũng có nhiều kiến thức về website nên có…

Cần chuẩn bị gì trước khi thiết kế website
Cập nhật lần cuối:
Cách thông báo và đăng ký website với Bộ Công Thương

Bạn có biết website và ứng dụng sau khi hoàn thiện phải thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương không? Website bạn đã có logo “Đã thông báo” hay…

Hướng dẫn đăng ký bộ công thương
Cập nhật lần cuối: