Hosting - Server

Cách ẩn địa chỉ IP trên máy tính, điện thoại

Cập nhật lần cuối:
Cách ẩn địa chỉ IP

Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, thông tin cá nhân của bạn càng có nhiều nguy cơ dễ bị lộ. Các tổ chức hoặc một cá nhân nào đó có thể theo dõi hoạt động trực tuyến và thu thập thông tin cá nhân của bạn thông qua địa chỉ IP của bạn. Việc ẩn địa chỉ IP giúp bạn tăng cường bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến. Cùng Puramu tìm hiểu các cách ẩn địa chỉ IP trên máy tính, điện thoại hay trong mạng wifi hiện nay nhé!

Ẩn địa chỉ IP là gì?

Ẩn địa chỉ IP là hành động ngăn người khác hoặc một tổ chức nào đó nhìn thấy địa chỉ IP thực của bạn khi bạn truy cập mạng. Hiện nay, đa số các dịch vụ ẩn địa chỉ IP sẽ hoạt động theo cách: Khi bạn sử dụng dịch vụ ẩn địa chỉ IP bất kỳ bạn sẽ được mượn địa chỉ IP khác để truy cập vào trang web bạn muốn và ở trạng thái ẩn danh. Địa chỉ IP mà bạn mượn sẽ thực hiện nhiệm vụ che đi địa chỉ IP của bạn.

Tại sao nhu cầu ẩn địa chỉ IP ngày càng tăng?

Tăng sự riêng tư & chặn các quảng cáo nhắm đối tượng

Khi ẩn địa chỉ IP trong mạng wifi, không ai có thể thấy vị trí địa lý thật và nhật ký duyệt web của bạn. Các bên thứ ba sẽ khó khăn trong việc theo dõi thói quen hay nhật ký duyệt web của bạn. Vì thế, họ sẽ không thể gửi dữ liệu hay thông tin của bạn cho các nhà quảng cáo, các công ty và bên thứ ba khác.

Truy cập được vào các trang web chặn địa lý

Một số trang web sẽ chặn các địa chỉ IP không cùng vị trí địa lý với họ. Các dịch vụ ẩn địa chỉ IP sẽ thay thế địa chỉ IP của bạn bằng IP máy chủ của họ. Do đó, trang web bạn đang truy cập sẽ tưởng bạn đang ở một quốc gia khác.

Có thể thanh toán online khi sang nước ngoài

Khi địa chỉ IP của bạn không khớp với quốc gia phát hành thẻ, thẻ của bạn sẽ bị từ chối thanh toán. Điều này giúp tăng tính bảo mật và an toàn cho bạn nhưng đôi khi lại gây phiền toái cho bạn. Chỉ cần sử dụng dịch vụ ẩn địa chỉ IP là bạn có thể giải quyết được trường hợp này.

Tải torrent ẩn danh và an toàn

Ẩn địa chỉ IP để tải torrent ẩn danh và an toàn
Ẩn địa chỉ IP để tải torrent ẩn danh và an toàn

Khi tải torrent địa chỉ IP của bạn sẽ công khai nên ISP và tin tặc có thể truy xuất được danh tính của bạn. Do đó sẽ có hai trường hợp xảy ra:

  1. Một số nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ giám sát lưu lượng truy cập và hạ băng thông (giới hạn tốc độ mạng) khi bạn sử dụng quá nhiều dữ liệu.
  2. Các tin tặc sẽ tấn công vào thiết bị của bạn hoặc tấn công DDoS với bạn.

Vì vậy, việc ẩn địa chỉ IP trên máy tính, điện thoại khi tải torrent là hoàn toàn cần thiết.

Bảo vệ dữ liệu & an ninh mạng

Các tin tặc có thể tấn công mạng và thiết bị của bạn thông qua địa chỉ IP. Ẩn địa chỉ IP có thể giống như việc thêm một lớp bảo mật khi bạn truy cập mạng. Nó giúp bảo vệ bạn khỏi các mối đe doạ an ninh mạng. Chẳng hạn như hạn chế việc tin tặc sử dụng địa chỉ IP của bạn để thực hiện các hoạt động phi pháp, cố truy cập vào mạng hoặc thiết bị của bạn, đánh cắp danh tính của bạn và thực hiện các cuộc tấn công vào bạn như phát tán vi-rút, phần mềm độc hại và phần mềm gián điệp.

Loại bỏ lệnh cấm hoặc black list

Ẩn địa chỉ IP giúp bạn truy cập được vào các trang web mà địa chỉ IP của bạn bị đưa vào black list của họ. Đa số mọi người đều dùng IP động nên đây có thể là lỗi của bạn hoặc của người dùng trước. Nếu không may gặp phải trường hợp này thì ẩn IP có thể giúp bạn vào được trang web đó.

Bảo vệ bạn khi truy cập wifi công cộng

Ai cũng biết mạng wifi công cộng không an toàn và dễ bị tấn công. Vì thế, việc bạn cần ẩn địa chỉ IP trên máy tính, điện thoại trong trường hợp này là hiển nhiên. Nó giúp bạn an tâm hơn khi lướt web với mạng này. Do đó, ẩn địa chỉ IP còn giúp bảo vệ bạn khỏi các cuộc tấn công mạng.

Ẩn địa chỉ IP có hợp pháp không?

Ẩn địa chỉ IP là hành động bảo vệ quyền riêng tư, tăng cường bảo mật trực tuyến. Nó giúp ngăn chặn tin tặc, các bên thứ ba, nhà quảng cáo và các trình theo dõi web khác theo dõi bạn.

Do đó, việc ẩn địa chỉ IP trên máy tính, điện thoại là hoàn toàn hợp pháp nếu bạn không ẩn địa chỉ IP để thực hiện các hành động bất hợp pháp. Bạn ẩn địa chỉ IP với mục đích xấu như hack, phát tán phần mềm độc hại hoặc truy cập vào nội dung bất hợp pháp thì dĩ nhiên rồi! Bạn đang vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, một số quốc gia cấm sử dụng dịch vụ VPN như Trung Quốc, Irac hay Belarus cấm cả VPN và trình duyệt Tor. Vì vậy, việc ẩn địa chỉ IP của bạn trên máy tính, điện thoại có hợp pháp hay không còn phụ thuộc vào quy định tại đất nước bạn sinh sống nữa.

Ẩn địa chỉ IP có hợp pháp không? Nguồn: vpnoverview.com
Ẩn địa chỉ IP có hợp pháp không? Nguồn: vpnoverview.com

Địa chỉ IP có thật sự ẩn với tất cả mọi người?

Bạn có thể ẩn địa chỉ IP với tất cả mọi người trừ:

  1. Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP): ISP là đơn vị cấp địa chỉ IP để bạn kết nối mạng. Vì thế, bạn không thể ẩn địa chỉ IP với nơi cấp địa chỉ IP cho bạn được. Khi bạn sử dụng dịch vụ ẩn địa chỉ IP, ISP vẫn thấy địa chỉ IP ban đầu của bạn. Các dịch vụ ẩn địa chỉ IP chỉ che địa chỉ IP của bạn với các thiết bị và trang web bạn vào. Tuy nhiên, ISP sẽ không thấy được bạn đang làm gì, vào trang web nào. Do đó, hạn chế được việc ISP điều chỉnh băng thông hoặc tốc độ truy cập nếu bạn tiêu tốn quá nhiều dữ liệu như tải torrent.
  2. Các nhà cung cấp dịch vụ ẩn địa chỉ IP: Các nhà cung cấp dịch vụ ẩn địa chỉ IP bạn đang sử dụng có thể thấy được địa chỉ IP thực của bạn. Do bạn cần phải kết nối với họ trước khi vào trang web bạn muốn. Địa chỉ IP của bạn có bị lộ ra ngoài hay không tuỳ thuộc vào chính sách của nhà cung cấp dịch vụ và cách họ xử lý thông tin này.

Các cách ẩn địa chỉ IP an toàn

Cách tốt nhất: Sử dụng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) để ẩn địa chỉ IP

Hiện nay, có nhiều cách ẩn địa chỉ IP nhưng không phải cách nào cũng an toàn và hiệu quả. Một số cách bảo mật kém mang lại rủi ro cao hơn khi bạn không dùng. Một số cách lại làm tốc độ truy cập của bạn bị chậm đi. Sử dụng VPN là cách dễ nhất và an toàn nhất với tất cả mọi người. Dịch vụ VPN giúp bạn ẩn địa chỉ IP chỉ trong một cú nhấp chuột. Nó còn có thể mã hoá kết nối của bạn.

Sử dụng máy chủ VPN là cách ẩn địa chỉ IP phổ biến nhất hiện nay. Nguồn: airtel.in
Sử dụng máy chủ VPN là cách ẩn địa chỉ IP phổ biến nhất hiện nay. Nguồn: airtel.in

Các máy chủ VPN được đặt khắp nơi trên thế giới nên bạn có thể chọn bất kỳ nơi nào bạn muốn và truy cập được vào các trang web, dịch vụ phát trực tuyến, ứng dụng và game có thể bị chặn ở một số nước.

Khi bạn sử dụng VPN, thiết bị của bạn sẽ đi qua máy chủ VPN trước khi truy cập mạng. VPN sẽ thực hiện việc mã hoá lưu lượng truy cập của bạn. Các trang web bạn truy cập sẽ thấy địa chỉ IP của máy chủ VPN thay vì địa chỉ IP của bạn.

Ưu điểm:

  • Tương thích trên mọi thiết bị từ máy tính đến điện thoại.
  • Mã hoá kết nối, không bị rò rỉ DNS, IPv4, IPv6 và WebRTC. Nhờ đó mà địa chỉ IP của bạn luôn được ẩn.
  • Nếu không may VPN bị trục trặc thì nó sẽ tự động ngắt kết nối Internet của bạn để IP thực của bạn không bị lộ.
  • Duy trì quyền riêng tư trực tuyến cho bạn: Đa số các VPN sử dụng địa chỉ IP chia sẻ, tức là nhiều người sẽ sử dụng cùng một địa chỉ IP. Vì thế, khó có thể truy ngược ra bạn từ các hoạt động trực tuyến nên bảo vệ danh tính và thông tin cá nhân của bạn.

Nhược điểm: 

  • Bạn phải mất phí để sử dụng những VPN chất lượng. Tin vui là đa số các dịch vụ VPN thường có chính sách hoàn tiền 100% trong vòng 30 ngày đầu nếu bạn không hài lòng. Mặc dù có những dịch vụ VPN miễn phí nhưng độ bảo mật của nó thường không được tốt lắm.
  • Do VPN mã hoá dữ liệu của bạn nên có thể làm chậm tốc độ truy cập đi một chút.

Tiêu chí chọn dịch vụ VPN:

Bạn nên xem xét các yếu tố như độ uy tín, bảo mật, quyền riêng tư, tốc độ, số lượng và vị trí của các máy chủ, khả năng tương thích với các thiết bị và hệ điều hành và chi phí. Cụ thể như:

  • Khả năng mã hoá của VPN đó cần mạnh mẽ để bảo mật tốt cho bạn.
  • Dịch vụ VPN có máy chủ ở quốc gia bạn muốn truy cập.
  • Dịch vụ VPN có danh tiếng tốt về quyền riêng tư và bảo mật.

Thêm vào đó, bạn nên chọn dịch vụ VPN có chính sách không lưu nhật ký (no-log policy) đã được chứng minh. Chính sách này có nghĩa là VPN tuyệt đối không lưu giữ IP hoặc bất cứ thông tin nào có thể nhận dạng của bạn nên không thể chia sẻ những thông tin đó. Vì nhà cung cấp dịch vụ VPN vẫn có thể thấy địa chỉ IP của bạn.

Gợi ý một số VPN chất lượng bạn có thể cân nhắc: CyberGhost, ExpressVPN, NordVPN, Private Internet Access, Proton VPN.

Hướng dẫn sử dụng dịch vụ VPN:

Dưới đây là hướng dẫn chung cách sử dụng dịch vụ VPN thông thường. Quy trình có thể có một chút thay đổi tuỳ theo thiết bị và dịch vụ VPN mà bạn chọn.

Bước 1: Đăng ký và tải phần mềm VPN

Sau khi chọn được dịch vụ VPN theo mong muốn, bạn cần đăng ký và thanh toán gói dịch vụ phù hợp với bạn. Một số VPN sẽ có chính sách dùng thử và thanh toán sau khoảng thời gian đó. Sau đó, bạn tải VPN và cài đặt nó vào máy của bạn.

Bước 2: Đăng nhập và chọn một máy chủ

Truy cập vào phần mềm VPN, đăng nhập bằng tài khoản bạn đã tạo. Bạn sẽ thấy danh sách các máy chủ VPN. Chọn vị trí máy chủ bạn muốn, có thể theo vị trí hoặc tiêu chí khác. Một số VPN có tính năng tự động chọn máy chủ tốt nhất cho bạn.

Bước 3: Kết nối đến máy chủ VPN

Bạn chỉ cần nhấp vào vị trí máy chủ hoặc nút “Kết nối” là VPN sẽ tự động hiển thị IP mới cho bạn. Vậy là xong, bạn có thể truy cập các trang web như bình thường. Khi bạn không dùng VPN, bạn nên ngắt kết nối để tiết kiệm băng thông và tài nguyên hệ thống.

Cách 2: Sử dụng dịch vụ Smart DNS để ẩn địa chỉ IP

Những năm gần đây, dịch vụ Smart DNS được mọi người sử dụng phổ biến hơn để truy cập vào các trang web chặn địa lý. Nó tương thích với hầu hết các thiết bị như điện thoại, máy tính và các hệ thống game. Đặc biệt, bạn không phải cài phần mềm vào thiết bị nên quá trình thiết lập và sử dụng sẽ rất dễ dàng và hiệu quả.

Smart DNS. Nguồn surfshark.com
Smart DNS. Nguồn surfshark.com

Một số nhà cung cấp dịch vụ Smart DNS có chính sách không ghi lại nhật ký hoạt động. Điều này đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bạn. Ví dụ: Cloudflare’s 1.1.1.1 hoặc Quad9.

Cách thức hoạt động

Sử dụng dịch vụ DNS, thông tin vị trí máy chủ DNS (hệ thống tên miền) của bạn sẽ được thay đổi bằng địa chỉ DNS của máy chủ DNS. Thông thường, khi bạn truy cập vào trang web hoặc dịch vụ trực tuyến, máy chủ tại đó sẽ nhận truy vấn DNS từ máy chủ DNS của bạn để xác định vị trí của bạn. Smart DNS sẽ định tuyến lại các truy vấn DNS của bạn bằng máy chủ DNS được đặt tại một quốc gia khác. Lưu lượng DNS của bất kỳ dữ liệu nhận dạng nào sẽ được xoá đi và chỉ để lại một yêu cầu DNS xuất phát từ vị trí của Smart DNS. Nhờ vậy, các trang web bạn truy cập sẽ tưởng bạn ở quốc gia đó và cho phép bạn truy cập.

Không giống như VPN, Smart DNS không mã hóa lưu lượng truy cập của bạn nên tốc độ truy cập sẽ nhanh hơn VPN nhưng lại kém an toàn hơn. Nên nếu bạn cần tốc độ truy cập nhanh (như xem video streaming) và không lo ngại vấn đề bảo mật thì DNS sẽ phù hợp với bạn. Do tốc độ nhanh nên smart DNS rất phù hợp với streaming video HD và 4k.

Tuy nhiên, Smart DNS không ẩn địa chỉ IP của bạn nên nếu ISP kiểm tra địa chỉ IP thay vì truy vấn DNS để xác định vị trí của bạn thì vẫn thấy địa chỉ IP của bạn. Do vậy, bạn vẫn có thể bị theo dõi từ ISP hoặc các bên quảng cáo.

Tiêu chí chọn nhà cung cấp DNS

  • Số lượng và vị trí máy chủ DNS: Một dịch vụ DNS tốt sẽ có nhiều máy chủ ở nhiều quốc gia, đặc biệt bạn nên xem DNS đó có máy chủ ở khu vực bạn mong muốn truy cập không.
  • Khả năng hỗ trợ dịch vụ và trang web: Một số dịch vụ DNS không hỗ trợ tất cả dịch vụ và trang web. Do đó, bạn cần kiểm tra nó có hỗ trợ dịch vụ và trang web bạn muốn truy cập không.
  • Danh sách trắng: Đây là tính năng mà một số nhà cung cấp DNS sẽ có. Bạn có thể đưa các trang web cụ thể vào danh sách trắng. Tính năng này sẽ tiện lợi nếu bạn chỉ truy cập một vài trang web.
  • Giá: Hãy so sánh các tính năng và giá của một số nhà cung cấp. Từ đó, bạn có thể chọn ra nhà cung cấp đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với ngân sách của bạn nhất.

Hướng dẫn thiết lập Smart DNS

Mặc dù bạn không phải cài phần mềm để sử dụng DNS nhưng bạn cần đăng ký gói dịch vụ của nhà cung cấp Smart DNS bất kỳ. Thiết lập smart DNS rất đơn giản, không cần nhiều thao tác kỹ thuật. Bạn chỉ cần vào cài đặt mạng đến cài đặt DNS và nhập địa chỉ DNS của dịch vụ Smart DNS bạn đã chọn.

Trên máy tính Windows:
  • Bước 1: Đăng nhập vào website của dịch vụ Smart DNS mà bạn đã chọn. Sau đó, tìm và ghi lại hoặc sao chép địa chỉ máy chủ DNS.
  • Bước 2: Mở Control Panel, nhấp vào Network and Internet rồi chọn Network and Sharing Center.
  • Bước 3: Ở bên trái hộp thoại, nhấp vào Change adapter settings. Sau đó, nhấp chuột phải vào kết nối mạng mà bạn muốn thay đổi DNS, chọn Properties.
  • Bước 4: Một hộp thoại nhỏ hiện lên, bạn lướt xuống kiếm dòng Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4) hoặc Internet Protocol Version 6 (TCP/IPv6). Nhấp vào đó và tiếp tục nhấp vào Properties.
  • Bước 5: Một hộp thoại mới hiện lên, chọn Use the following DNS server addresses. Sau đó, bạn nhập địa chỉ DNS đã lấy ở bước 1 rồi nhấn OK để lưu thay đổi.
Trên máy tính macOS:
  • Bước 1: Đăng nhập vào website của dịch vụ Smart DNS mà bạn đã chọn. Sau đó, tìm và ghi lại hoặc sao chép địa chỉ máy chủ DNS.
  • Bước 2: Mở System Preferences từ menu Apple, chọn Network. Sau đó, nhấp vào kết nối mạng mà bạn muốn thay đổi DNS rồi chọn Advanced.
  • Bước 3: Nhấp vào tab DNS rồi nhấp vào icon dấu cộng “+” ở cuối danh sách máy chủ DNS để nhập địa chỉ DNS mà bạn muốn sử dụng.
  • Bước 4: Nhấp vào OK và sau đó nhấp Apply để lưu thay đổi.
Trên điện thoại Android:
  • Bước 1: Đăng nhập vào website của dịch vụ Smart DNS mà bạn đã chọn. Sau đó, tìm và ghi lại hoặc sao chép tên máy chủ DNS.
  • Bước 2: Vào Cài đặt (Settings) chọn mạng và Internet (Network & Internet). Sau đó chọn nâng cao (Advanced) rồi chọn DNS riêng (Private DNS).
  • Bước 3: Chọn Tên máy chủ của nhà cung cấp DNS riêng (Private DNS provider hostname) rồi nhập tên máy chủ (hostname) của DNS mà bạn muốn sử dụng. Sau đó, chọn Save để lưu thay đổi.
Trên điện thoại IOS
  • Bước 1: Đăng nhập vào website của dịch vụ Smart DNS mà bạn đã chọn. Sau đó, tìm và ghi lại hoặc sao chép địa chỉ máy chủ DNS.
  • Bước 2: Vào Cài đặt (Settings) chọn Wi-Fi. Nhấp vào icon “i” kế bên tên Wi-Fi mà bạn đang kết nối.
  • Bước 3: Lướt xuống dưới cùng chọn Định cấu hình DNS (Configure DNS) và chọn Thủ công (Manual). Sau đó, nhấp vào + Thêm máy chủ (Add Server) và nhập địa chỉ DNS mà bạn muốn sử dụng.
  • Bước 4: Chọn Lưu (Save) ở góc trên cùng bên phải màn hình. Bạn đã thay đổi địa chỉ DNS cho wifi đó. Nếu bạn đổi sang sử dụng wifi khác, bạn cần phải thực hiện lại các bước này từ đầu.

Cách 3: Sử dụng trình duyệt Tor (The Onion Router) để ẩn địa chỉ IP

Trình duyệt Tor là phần mềm miễn phí để ẩn địa chỉ IP. Cách sử dụng giống như trình duyệt Chrome, Firefox hoặc Safari. Trình duyệt Tor hoạt động dựa trên mạng Tor – một mạng lưới máy chủ tự nguyện trên toàn thế giới.

Trình duyệt Tor là một trong những cách để ẩn địa chỉ IP
Trình duyệt Tor là một trong những cách để ẩn địa chỉ IP

Khi bạn gửi yêu cầu truy cập đến một trang web, lưu lượng truy cập của bạn được đi qua 3 lớp máy chủ (gọi là nút) trong mạng Tor. Dữ liệu của bạn được mã hoá nhiều lần trước đi qua các nút. Mỗi nút chỉ có khả năng giải mã một lớp mã hoá. Nút đầu tiên chỉ biết địa chỉ IP của bạn và nút thứ hai. Nút thứ hai chỉ biết nút đầu và nút cuối. Nút cuối chỉ biết nút thứ hai và trang web bạn truy cập do nó được giao nhiệm vụ gửi yêu cầu đến trang web đó. Các trang web bạn vào chỉ có thể thấy địa chỉ IP của máy chủ cuối cùng thay vì địa chỉ IP của bạn.

Ưu điểm

  • Miễn phí
  • Bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư cao do dữ liệu của bạn được đi qua nhiều lớp mã hoá.
  • Truy cập được vào Deep Web và Dark Web: Chỉ có một số ít công cụ cho phép bạn truy cập vào Deep Web và Dark Web. Trình duyệt Tor nằm trong số đó.

Nhược điểm

  • Tốc độ truy cập chậm: Các lớp mã hoá của trình duyệt Tor khiến tốc độ truy cập của bạn bị chậm hoặc rất chậm. Do đó, nó không phù hợp để phát trực tuyến và tải file.
  • Vẫn có thể bị lộ danh tính: ISP vẫn có thể nhìn thấy bạn đang dùng trình duyệt Tor nhưng không thể thấy lịch sử duyệt web của bạn. Điểm này khiến độ riêng tư của trình duyệt Tor không bằng dịch vụ VPN.
  • Pháp lý: Các trang web bất hợp pháp trên web tối (Dark Web) đã gây danh tiếng xấu cho trình duyệt Tor nên nó bất hợp pháp ở một số nước. Một số dịch vụ và trang web cũng chặn lưu lượng truy cập từ trình duyệt Tor để ngăn chặn lạm dụng và bảo vệ người dùng của họ. Mặc dù đây không phải là mục đích mà trình duyệt Tor được tạo ra.

Hướng dẫn cài đặt trình duyệt Tor

  • Bước 1: Tải và cài đặt.
    • Đối với máy tính: Tải trình duyệt Tor về máy và cài đặt theo hướng dẫn trên màn hình.
    • Đối với điện thoại: Tải về ứng dụng Tor Browser với máy Android. Hiện nay chưa có ứng dụng Tor chính thức trên máy iOS. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng ứng dụng được gợi ý bởi trình duyệt Tor là Onion Browser.
  • Bước 2: Mở trình duyệt Tor để lướt web như trình duyệt thông thường.

Lưu ý: Trình duyệt Tor không bảo vệ bạn khỏi các phần mềm độc hại và keyloggers. Do đó, bạn cần cẩn thận khi tải tệp và không đăng nhập vào các tài khoản cá nhân khi sử dụng trình duyệt Tor.

Cách 4: Sử dụng máy chủ proxy để ẩn địa chỉ IP

Máy chủ Proxy hay còn gọi là Proxy mở hay Proxy.

Giống như dịch vụ VPN, các máy chủ proxy SSL, SSH hoặc SOCKS ẩn địa chỉ IP bằng cách hiển thị địa chỉ của máy chủ proxy thay vì địa chỉ IP của bạn. Máy chủ proxy sẽ là máy chủ trung gian nằm giữa thiết bị của bạn và trang web bạn truy cập. Khi bạn gửi yêu cầu truy cập đến trang web, yêu cầu đó sẽ được gửi từ máy chủ proxy thay vì từ thiết bị của bạn.

Sử dụng máy chủ proxy để ẩn địa chỉ IP. Nguồn: fortinet.com
Sử dụng máy chủ proxy để ẩn địa chỉ IP. Nguồn: fortinet.com

Ưu điểm

Máy chủ proxy rất dễ sử dụng và miễn phí nên cũng khá phổ biến. Nó cho phép bạn chọn vị trí các máy chủ nên có thể truy cập được trang web chặn địa lý.

Nhược điểm

  • Quyền riêng tư kém: Máy chủ proxy không mã hoá kết nối và che lưu lượng DNS của bạn. Do đó, người khác vẫn có thể nhìn thấy các hoạt động trực tuyến của bạn và thu thập dữ liệu về bạn.
  • Bảo mật, an ninh mạng kém: Máy chủ proxy không mã hoá lưu lượng và không có xác thực nên bạn dễ bị tấn công hơn. Một số máy chủ proxy miễn phí còn có thể chứa phần mềm độc hại và không đáng tin cậy.
  • Tốc độ chậm: Tất cả dữ liệu của bạn phải đi qua máy chủ proxy trước khi đến trang web nên tốc độ truy cập sẽ chậm. Thỉnh thoảng còn rất chậm do máy chủ hay bị quá tải. Vì là các dịch vụ miễn phí nên nó không đủ kinh phí để cung cấp mạng lưới toàn cầu.
  • Máy chủ proxy chỉ ẩn được địa chỉ IP trong ứng dụng hoặc trình duyệt. Nó không thể tự động ẩn địa chỉ IP trên toàn bộ hệ thống mạng. Do đó, ISP của bạn vẫn có thể thấy mọi thứ bạn làm trên mạng.
  • Máy chủ proxy không phù hợp để phát trực tuyến và tải torrent. Nhiều máy chủ proxy còn bị các dịch vụ phát trực tuyến phát hiện một cách dễ dàng.

Do đó, máy chủ proxy là lựa chọn không an toàn nhất. Nếu không có sự lựa chọn nào khác thì bạn mới nên sử dụng và chỉ nên dùng để lướt web thôi.

Chỉ một số nhỏ máy chủ proxy có máy chủ được mã hoá và có chính sách quyền riêng tư nghiêm ngặt. Vì thế, bạn phải tìm hiểu kỹ và chỉ sử dụng máy chủ proxy đã được kiểm chứng.

Hướng dẫn thiết lập máy chủ proxy

TRên trình duyệt Google Chrome
  • Bước 1: Truy cập vào trang web của máy chủ proxy bạn chọn. Sau đó, tìm và ghi lại hoặc sao chép địa chỉ IP và cổng.
  • Bước 2: Mở trình duyệt Google Chrome, nhấp vào biểu tượng ba dấu chấm dọc bên dưới icon X (icon bạn nhấp vào khi muốn thoát trình duyệt). Sau đó, nhấp chọn Settings.
  • Bước 3: Nhấp vào System chọn Open your computer’s proxy settings.
    • Trên Windows, bạn sẽ thấy cửa sổ Proxy hiện lên. Tại mục Manual proxy setup, nhấp chuột vào biểu tượng công tắc để nhập địa chỉ IP và cổng của máy chủ proxy ở bên dưới. Sau đó, nhấp vào Save để lưu thay đổi.
    • Trên macOS, bạn sẽ thấy cửa sổ Network hiện lên. Chọn tab Proxies, đánh dấu tick vào “Web Proxy (HTTP)” và nhập địa chỉ IP và cổng của máy chủ proxy. Sau đó, nhấp vào OK rồi nhấp vào apply là xong.
TRên trình duyệt Mozilla Firefox
  • Bước 1: Truy cập vào trang web của máy chủ proxy bạn chọn. Sau đó, tìm và ghi lại hoặc sao chép địa chỉ IP và cổng.
  • Bước 2: Mở trình duyệt Firefox, nhấp vào biểu tượng ba dấu gạch ngang bên dưới icon X và chọn Settings. Sau đó, lướt xuống dưới cùng, tại mục Network Settings chọn Settings.
  • Bước 3: Bạn sẽ thấy cửa sổ mới hiện lên. Chọn Manual proxy configuration và nhập địa chỉ IP và cổng của máy chủ proxy. Nhấp vào OK để lưu thay đổi.
Trên điện thoại

Tương tự như cách thiết lập DNS, thay vì chọn DNS bạn chọn Proxy là được.

Nên chọn cách nào để ẩn địa chỉ IP? VPN hay Smart DNS hay Proxy hay Tor?

Nên chọn cách nào để ẩn địa chỉ IP? Nguồn: oxylabs.io
Nên chọn cách nào để ẩn địa chỉ IP? Nguồn: oxylabs.io

Nhu cầu cần ẩn địa chỉ IP hiện nay khá cao nên có rất nhiều dịch vụ ẩn địa chỉ IP ra đời. Chọn dịch vụ ẩn địa chỉ IP nào còn tuỳ thuộc vào nhu cầu của bạn.

  • Ẩn địa chỉ IP bằng VPN là cách tốt nhất hiện nay. VPN đi kèm với bảo mật, an toàn và quyền riêng tư cao. Tốc độ Internet có thể chậm đôi chút nhưng không đáng kể. Điều đáng cân nhắc nhất là dịch vụ này thường tốn phí.
  • Nếu bạn cần tốc độ truy cập nhanh, dễ sử dụng và không quan tâm đến vấn đề bảo mật thì DNS là lựa chọn tốt cho bạn. DNS rất dễ cài đặt và hoạt động được trên mọi thiết bị.
  • Nếu bạn muốn truy cập vào Deep Web hay Dark Web thì trình duyệt Tor sẽ đáp ứng được cho bạn. Tor miễn phí và cung cấp một mức độ bảo mật vừa phải. Nhược điểm duy nhất là tốc độ rất chậm.
  • Máy chủ proxy rất dễ sử dụng và miễn phí nhưng là lựa chọn không an toàn nhất. Nếu không có sự lựa chọn nào khác thì bạn mới nên sử dụng cách này để ẩn địa chỉ IP. Bạn chỉ nên dùng máy chủ proxy để lướt web thôi.

Dù cho bạn chọn cách nào để ẩn địa chỉ IP, bạn cũng cần nghiên cứu kỹ về độ uy tín của nó và đảm bảo rằng dịch vụ đó phù hợp với nhu cầu riêng của bạn. Hy vọng với tất cả các thông tin trên, bạn có thể sử dụng mạng an toàn và riêng tư nhờ vào việc ẩn địa chỉ IP. Nếu bạn còn thắc mắc hay cần tư vấn về dịch vụ thiết kế website, đừng ngần ngại liên hệ Puramu qua hotline 039.395.0385 hoặc để lại yêu cầu tư vấn bên dưới.

Quốc Huy
Viết bởiQuốc Huy

Chào các bạn! Gọi mình là Huy nhé! Huy hiện đang là CEO của công ty Puramu. Với niềm đam mê lập trình từ sớm, mình đã nghiên cứu và tự học lập trình từ năm 2016. Sau nhiều năm làm việc, mình đã thực hiện các dự án website với nhiều mục đích khác nhau như: tin tức, giới thiệu, booking, thương mại điện tử hay các ứng dụng web. Hy vọng những kiến thức và trải nghiệm mình chia sẻ trên website này sẽ giúp ích cho nhiều bạn.

Bài viết liên quan

Địa chỉ IP là gì? Cách xem địa chỉ IP máy tính, điện thoại

Với thời đại số hiện nay, ai ai cũng sử dụng và tiếp xúc mạng Internet mỗi ngày. Địa chỉ là IP là thuật ngữ mà tất cả mọi người ai cũng từng một lần nghe đến…

Địa chỉ IP là gì?
Cập nhật lần cuối:
Top 5 plugin chống copy WordPress đáng dùng nhất

Nạn copy nội dung từ content, hình ảnh, video ở Việt Nam khá phổ biến. Đặc biệt là ở môi trường Internet-nơi chứa rất nhiều thông tin. Chỉ cần vài cái…

Plugin chống copy cho WordPress
Cập nhật lần cuối:
Cách chỉnh sửa URL trong WordPress

Bạn băn khoăn không biết thay đổi URL trang web WordPress được không? Cách chỉnh sửa URL trong WordPress không ảnh hưởng đến website hiện tại…

Chỉnh sửa url trong web WordPress
Cập nhật lần cuối:
Load Balancing là gì? Các thuật toán cân bằng tải

Thông báo “server không thể phản hồi” là tình trạng khiến các chủ website đau đầu, khách hàng thì thất vọng, có thể không quay lại website của bạn nữa…

Load balancing là gì?
Cập nhật lần cuối: