Hosting - Server

Địa chỉ IP là gì? Cách xem địa chỉ IP máy tính, điện thoại

Cập nhật lần cuối:
Địa chỉ IP là gì?

Với thời đại số hiện nay, ai ai cũng sử dụng và tiếp xúc mạng Internet mỗi ngày. Địa chỉ là IP là thuật ngữ mà tất cả mọi người ai cũng từng một lần nghe đến. Đôi khi, bạn còn thắc mắc cả việc “Địa chỉ IP của tôi là gì?”. Để hiểu rõ về “Địa chỉ IP là gì?” và cách tìm địa chỉ IP của những thiết bị như điện thoại, laptop bạn đang sử dụng, hãy lướt xuống bên dưới đọc tiếp nhé!

Địa chỉ IP là gì?

Trước khi tìm hiểu địa chỉ IP là gì? Chúng ta sẽ cùng xem trước IP là gì nhé! IP là viết tắt của Internet Protocol, dịch là giao thức Internet. IP là giao thức để tạo và truyền dữ liệu qua Internet hoặc các mạng khác.

Địa chỉ IP là địa chỉ của một thiết bị mạng trên mạng Internet. Địa chỉ IP là công cụ nhận diện, xác định danh tính các thiết bị mạng, trao đổi thông tin để bạn có thể vào các trang web mà bạn yêu cầu. Bạn sẽ thường thấy địa chỉ IP ở dạng một dãy số dài được ngăn cách bởi dấu chấm. Thông thường sẽ là: 192.168.X.X.

Địa chỉ IP là một địa chỉ đơn nhất, không trùng lặp với bất kì thiết bị nào trong phạm vi một mạng cụ thể. Phạm vi mạng có thể lớn và phổ biến như trong phạm vi mạng Internet toàn cầu, nhỏ hơn có thể là phạm vi mạng của một công ty. Địa chỉ IP sẽ tiết lộ vị trí của thiết bị mạng đó. Nhờ điều này mà bạn có thể dễ dàng gửi tin nhắn đến bất cứ ai một cách nhanh chóng.

Địa chỉ IP là gì?
Địa chỉ IP là gì?

Địa chỉ IP có thể là của các thiết bị mạng như: máy tính, smartphone, bộ định tuyến (router), bộ chuyển mạch mạng (switch), máy chủ hạ tầng (như NTP, DNS, DHCP, SNMP,…), máy in hoặc nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) hay máy chủ VPN. Các thiết bị này sử dụng địa chỉ IP để nhận diện và giao tiếp với nhau hoặc với mạng máy tính bằng cách sử dụng giao thức Internet.

Các phiên bản của địa chỉ IP

Địa chỉ IP có hai phiên bản là: Địa chỉ IPv4 và địa chỉ IPv6.

Địa chỉ IP có hai phiên bản là: Địa chỉ IPv4 và địa chỉ IPv6. Nguồn: one.com
Địa chỉ IP có hai phiên bản là: Địa chỉ IPv4 và địa chỉ IPv6. Nguồn: one.com

Địa chỉ IPv4

IPv4 là viết tắt của Internet Protocol version 4. Địa chỉ IPv4 là phiên bản địa chỉ Internet đầu tiên và được sử dụng phổ biến trong suốt hai thập kỷ qua. Do đó, địa chỉ IP mà mọi người hay đề cập chính là địa chỉ IPv4.

Địa chỉ IPv4 là giao thức hướng dữ liệu dùng trong các mạng chuyển mạch gói (network packet switching). Tức dữ liệu được chia nhỏ thành các gói và mỗi gói được thiết lập một tuyến động. Địa chỉ IPv4 sẽ cung cấp kết nối logic và nhận dạng giữa các thiết bị mạng.

Địa chỉ IP mà mọi người hay đề cập chính là địa chỉ IPv4.
Địa chỉ IP mà mọi người hay đề cập chính là địa chỉ IPv4.

Cấu trúc của địa chỉ IPv4

Địa chỉ IPv4 gồm 32 bit nhị phân được chia làm 4 cụm (mỗi cụm có 8 bit). Các cụm này được gọi là octet, ngăn cách nhau bằng các dấu chấm. Các số trong mỗi octet dao động từ 0 đến 255.

Địa chỉ IPv4 được chia làm hai phần:

  • Phần mạng (Network ID): Ba octet đầu tiên là phần mạng. Đây là phần biểu thị thông tin mạng thiết bị đang sử dụng.
  • Phần host (Host ID): Octet cuối cùng là phần host. Đây là phần biểu thị thông tin thiết bị cụ thể trên mạng đó. Thông thường, router là .1, mỗi thiết bị tiếp theo sẽ được gán .2, .3,…

Ví dụ: IP 192.168.1.1 sẽ có: 192.168.1 là phần mạng, .1 là phần host

Lưu ý: Các bit phần mạng không được phép đồng thời bằng 0. Ví dụ: IP 0.0.0.4 là địa chỉ IP không hợp lệ.

Các octet được hiển thị dưới dạng thập phân hoặc nhị phân hoặc thập lục phân tuỳ từng trường hợp:

  • Thập phân: Cách dùng chung của mọi người để dễ hiểu, dễ nhớ và dễ viết. Ngoài ra, còn sử dụng trong bộ nhớ và giao tiếp địa chỉ IP.
  • Nhị phân: Trong trường hợp cần mô tả nguyên tắc của địa chỉ IP và thực hiện nó trong máy.
  • Thập lục phân: Thường được sử dụng trong các tài liệu kỹ thuật, máy tính khoa học,…

Địa chỉ IPv6

Địa chỉ IPv6 là viết tắt của Internet Protocol version 6, nghĩa là “Giao thức liên mạng thế hệ 6”. Ở thời điểm hiện tại, phiên bản IPv6 là phiên bản mới nhất của địa chỉ IP.

Phiên bản IPv6 là phiên bản mới nhất của địa chỉ IP.
Phiên bản IPv6 là phiên bản mới nhất của địa chỉ IP.

Hiện nay, nguồn địa chỉ IPv4 đang dần cạn kiệt do sự phát triển không ngừng của mạng và dịch vụ Internet. Số lượng các thiết bị kết nối mạng luôn tăng lên từng ngày, nhất là khi công nghệ Internet vạn vật ra đời. Khi mà các thiết bị xung quanh bạn như ô tô, thiết bị trong nhà,… đều cần địa chỉ IP. Các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet cũng bị ảnh hưởng theo. Vì thế nên phiên bản địa chỉ IPv6 đang được đưa vào sử dụng nhiều hơn so với trước đây để thay thế và khắc phục các nhược điểm của địa chỉ IPv4. Lộ trình chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang IPv6 đã được các tổ chức đề xuất bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2033.

Cấu trúc của địa chỉ IPv6

  • Địa chỉ IPv6 gồm 128 bit, được chia làm 8 nhóm để mã hoá dữ liệu. Dựa trên chiều dài, không gian địa chỉ IPv6 sẽ gồm 2128 – một lượng địa chỉ lớn hơn gấp nhiều lần so với IPv4 (232) sẽ được đưa vào sử dụng trong các hoạt động Internet.
  • Địa chỉ IPv6 được hiển thị dưới dạng các cụm số hexa và ngăn cách nhau bằng dấu hai chấm. Ví dụ: 2001:0DC8:1005:2F43:0BCD:FFFF.

Lượng địa chỉ IPv6 khổng lồ hứa hẹn sẽ là giải pháp xử lý triệt để cho vấn đề trên. Tuy nhiên, địa chỉ IPv6 chỉ tương thích với thiết bị cũ và chỉ một số các trang web và nhà cung cấp hỗ trợ nó. Bạn không thể vào các trang web hỗ trợ IPv4 bằng IPv6 và ngược lại. Do đó, địa chỉ IPv6 khó có thể thay thế hết được cho địa chỉ IPv4.

Phân loại các địa chỉ IP

Địa chỉ IP gồm 4 loại: Địa chỉ IP cá nhân, địa chỉ IP công cộng, địa chỉ IP tĩnh và địa chỉ IP động. Mỗi thiết bị sẽ có địa chỉ IP cá nhân và địa chỉ IP công cộng. Tuỳ theo dịch vụ bạn đang sử dụng mà địa chỉ IP của bạn có thể là địa chỉ IP tĩnh hoặc địa chỉ IP động.

Địa chỉ IP cá nhân (Private IP address)

Địa chỉ IP cá nhân do InterNIC cấp và quản lý. Địa chỉ IP cá nhân được sử dụng trong phạm vi khu vực nhỏ như hộ gia đình, công ty hoặc một tổ chức. Phạm vi này được gọi là mạng cục bộ riêng. Các thiết bị trong một mạng cục bộ riêng sẽ được đánh số IP để phân biệt thiết bị. Các thiết bị sẽ dùng địa chỉ IP cá nhân để giao tiếp và truyền dữ liệu cho nhau.

Các thiết bị trong một mạng cục bộ riêng sẽ được đánh số IP để phân biệt thiết bị. Nguồn: GeeksforGeeks
Các thiết bị trong một mạng cục bộ riêng sẽ được đánh số IP để phân biệt thiết bị. Nguồn: GeeksforGeeks

Địa chỉ IP cá nhân không thể kết nối với Internet. Để thực hiện được điều đó, nó cần phải đi qua các thiết bị định tuyến layer 3 như moderm, router đã được đăng ký Internet. Khi các máy tính, smartphone, máy tính bảng hoặc TV được kết nối với router thì tự động nó sẽ được gán một địa chỉ IP riêng.

Địa chỉ IP công cộng (Public IP address)

Địa chỉ IP công cộng do nhà cung cấp dịch vụ internet cấp và quản lý. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm chuyển tiếp các yêu cầu Internet đến một gia đình hoặc doanh nghiệp cụ thể.

Địa chỉ IP công cộng
Địa chỉ IP công cộng

Các thiết bị cần có địa chỉ IP công cộng để truy cập vào mạng. Các thiết bị router hay server có địa chỉ IP công cộng là cổng kết nối giữa các thiết bị của bạn với Internet. Chúng quản lý tất cả các kết nối trên mạng của bạn. Bạn nên ghi nhớ các thông số của địa chỉ IP công cộng, nhất là khi thuê máy chủ để thiết lập kết nối cho website.

Khi các thiết bị truy cập Internet thì địa chỉ IP công cộng là thứ để hai bên có thể giao tiếp và nhận dạng nhau. Mỗi địa chỉ IP công cộng là duy nhất trên toàn cầu nên sẽ không có hai thiết bị (server, máy tính, router,…) có cùng địa chỉ IP công cộng.

Địa chỉ IP tĩnh (IP Static)

Địa chỉ IP tĩnh còn được gọi là địa chỉ IP cố định. Địa chỉ IP tĩnh là địa chỉ được cấu hình thủ công cho thiết bị kết nối mạng. Địa chỉ IP tĩnh sẽ không thay đổi theo thời gian trừ khi người dùng yêu cầu thay đổi từ ISP của họ.

Địa chỉ IP tĩnh là địa chỉ IP được gán cố định cho thiết bị kết nối mạng của một người hoặc nhóm người sử dụng. Thông thường địa chỉ IP tĩnh được cấp cho các máy chủ dịch vụ cố định như là DNS, DHCP, máy chủ web, máy chủ email,… để quá trình truy cập của người dùng không bị gián đoạn.

Khi sử dụng địa chỉ IP tĩnh, bộ định tuyến sẽ gán các địa chỉ IP cho mỗi thiết bị trong mạng cục bộ đó. Bộ định tuyến cũng sẽ là cổng kết nối giữa các thiết bị và Internet. Toàn bộ lưu lượng truy cập ra thế giới bên ngoài đều đi qua nó. Các thiết bị trong mạng cục bộ chia sẻ một địa chỉ IP công cộng duy nhất để truy cập mạng.

Đối tượng sử dụng

Các doanh nghiệp thường sử dụng địa chỉ IP tĩnh để đơn giản hóa hoạt động và đảm bảo tốc độ truy cập mạng nhanh hơn. Do địa chỉ IP tĩnh phù hợp với môi trường có nhiều máy tính, đảm bảo tính ổn định khi các máy tính hoạt động, hạn chế tối đa việc thất thoát dữ liệu. IP tĩnh còn được sử dụng cho các game cần IP tĩnh.

Với cá nhân, IP tĩnh sẽ phù hợp với những người hay di chuyển. Vì khi sử dụng dịch vụ IP tĩnh thì bất kể họ đang kết nối với mạng nào thì họ vẫn sử dụng cùng một địa chỉ IP. Khi đến những nơi mới họ không phải thực hiện các bước xác thực bổ sung với các giao dịch ngân hàng trực tuyến và mua sắm.

Nhược điểm

Tuy nhiên, địa chỉ IP tĩnh cũng có một số nhược điểm như:

  • Bạn phải cấu hình các thiết bị thủ công và đúng IP để máy chủ và các truy cập từ xa có thể giao tiếp.
  • Tính bảo mật của IP tĩnh không cao do địa chỉ IP tĩnh luôn cố định, các tin tặc có thể tìm ra lỗ hổng và tấn công.

Địa chỉ IP động (IP Dynamic)

Không như các địa chỉ IP tĩnh, địa chỉ IP động được máy chủ DHCP gán cho các IP khác nhau mỗi khi kết nối hoặc trong một phiên kết nối. Cho nên địa chỉ IP động là địa chỉ tạm thời với một người dùng trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu không sử dụng các dịch vụ đặc biệt cần dùng IP tĩnh thì người dùng được mặc định sử dụng IP động.

Địa chỉ IP động là giải pháp giúp tiết kiệm nguồn địa chỉ IPv4 đang cạn kiệt hiện nay. Do chỉ gán IP cho thiết bị khi nó kết nối mạng. Khi thiết bị ngắt kết nối Internet thì nhà cung cấp sẽ sử dụng IP đó để cấp cho thiết bị khác.

Ưu điểm:

  • Thiết lập và quản lý đơn giản.
  • Tính linh hoạt cao.
  • Không giới hạn số lượng thiết bị kết nối mạng. Do các thiết bị này không cần ngắt kết nối để giải phóng IP khi có thiết bị mới truy cập.
  • Có thể thay thế máy chủ DHCP thiết lập địa chỉ IP cụ thể cho mỗi thiết bị.
  • Bảo mật cao do địa chỉ IP được thay đổi liên tục.
  • Ít tốn kém hơn so với địa chỉ IP tĩnh.

Nhược điểm:

Sử dụng IP động tức là bạn dùng chung IP với những người khác tại các thời điểm khác nhau. Do đó, đôi khi bạn sẽ phải chịu hậu quả từ những hành động của những người sử dụng IP trước đó hoặc cùng thời điểm do sử dụng chung IP. Những hành động đó điển hình là phát tán thư rác hoặc gây ra sự phá hoại. Phổ biến nhất là khi truy cập vào các trang web nước ngoài, người sử dụng Internet ở Việt Nam thường bị chặn không truy cập vào được.

Cách ẩn địa chỉ IP

Vì một số lý do dưới đây mà nhiều người tìm cách để ẩn địa chỉ IP của mình:

  • Tăng sự riêng tư: Khi ẩn đi địa chỉ IP, không ai có thể thấy vị trí địa lý thật của bạn.
  • Truy cập vào các trang web bị chặn: Các dịch vụ ẩn địa chỉ IP sẽ thay thế địa chỉ IP của bạn bằng một trong các máy chủ của họ. Trang web bạn đang truy cập sẽ tưởng bạn đang ở một quốc gia khác.
  • Có thể thanh toán online khi sang nước ngoài: Vì lý do bảo mật nên khi địa chỉ IP của bạn không khớp với quốc gia phát hành thẻ của bạn, thẻ của bạn sẽ bị từ chối thanh toán.

Vậy làm sao để ẩn địa chỉ IP? Đây chắc hẳn sẽ là câu hỏi của nhiều người. Puramu đã có có riêng một bài viết để hướng dẫn về vấn đề này: “Cách ẩn địa chỉ IP trên máy tính, điện thoại“. Bạn click vào đọc nhé!

Địa chỉ IP của tôi là gì?

Chắc hẳn bạn sẽ có một lần thắc mắc trong đầu “Địa chỉ IP của tôi là gì?”. Hoặc khi cần sửa lỗi mạng, bạn không biết cách để tìm địa chỉ IP của mình ở đâu. Mỗi thiết bị sẽ có địa chỉ IP Public (công cộng) và địa chỉ IP Private (cá nhân). Cùng Puramu tìm hiểu các cách xem địa chỉ IP của chính mình bên dưới và thử làm ngay nhé!

Địa chỉ IP của tôi là gì? Nguồn: oxylabs.io
Địa chỉ IP của tôi là gì? Nguồn: oxylabs.ioNgh

Xem địa chỉ IP Public của điện thoại, máy tính

Chỉ cần truy cập vào một trong số các trang web uy tín bên dưới là bạn có thể xem được địa chỉ IP Public của điện thoại hay máy tính bàn, laptop, máy tính bảng của mình:

Các trang web này còn hiển thị cả thông tin bạn đang ở đâu trên bản đồ, nhà cung cấp mạng của bạn là ai nữa.

Xem địa chỉ IP Private (IP cá nhân)

Máy tính Windows

Cách 1: Xem địa chỉ IP Private trong cài đặt mạng của máy tính
  • Bước 1: Nhấp vào biểu tượng Network (mạng) trên thanh Taskbar (thanh ngang dưới cùng màn hình). Chọn Network & Internet settings.
  • Bước 2: Tại menu Status, bạn sẽ thấy Ethernet chọn Properties. Lướt xuống dưới cùng bạn sẽ thấy mục IPv4 address. Đó chính là địa chỉ IP Private của máy tính.
Xem IP Private trong cài đặt mạng của máy tính
Xem IP Private trong cài đặt mạng của máy tính
Cách 2: sử dụng Command Prompt
  • Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows + R để mở hộp thoại Run. Sau đó, nhập cụm từ “CMD” -> chọn Ok.
  • Bước 2: Khi cửa sổ command Prompt hiện lên, bạn gõ lệnh “ipconfig” và nhấn enter để tìm địa chỉ IP. Lướt xuống kiếm dòng IPv4 Address. Dòng đó chính là địa chỉ IP Private của bạn.
Xem IP Private bằng Command Prompt
Xem IP Private bằng Command Prompt

Máy tính MacBook

Nếu đang sử dụng máy Mac, bạn xem địa chỉ IP cá nhân bằng ứng dụng Terminal nhé!

  • Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Cmd + Space để mở cửa sổ tìm kiếm Spotlight. Trong trường tìm kiếm, gõ từ “Terminal” và nhấp vào kết quả.
  • Bước 2: Nhập câu lệnh “ifconfig | grep “inet ” | grep -v 127.0.0.1”. Lướt tìm dòng inet, địa chỉ IP cá nhân của bạn nằm ở đây.

Điện thoại

Đối với điện thoại Android

Bạn vào Cài đặt ->chọn Hệ thống -> chọn Giới thiệu về điện thoại. Sau đó, lướt xuống dưới cùng sẽ thấy mục Địa chỉ IP. Đó chính là địa chỉ IP Private của điện thoại.

Đối với iPhone

Bạn vào Cài đặt -> chọn WiFi -> Nhấp vào tên mạng WiFi, lướt xuống dưới cùng sẽ thấy mục Địa chỉ IP. Đó chính là địa chỉ IP Private của điện thoại.

Lưu ý: Điện thoại và máy tính có kết nối mạng mới xem được địa chỉ IP.

Trên đây là toàn bộ thông tin cũng như cách xem địa chỉ IP trên mọi thiết bị kết nối mạng. Tóm lại, để một thiết bị có thể kết nối mạng thì nó phải có địa chỉ IP. Biết rõ về địa chỉ IP là gì, bạn có thể khắc phục những vấn đề về kết nối mạng, cách kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa nhiều máy tính với nhau. Nếu bạn còn thắc mắc hay cần tư vấn về dịch vụ thiết kế website, đừng ngần ngại liên hệ Puramu qua hotline 039.395.0385 hoặc để lại yêu cầu tư vấn bên dưới.

Quốc Huy
Viết bởiQuốc Huy

Chào các bạn! Gọi mình là Huy nhé! Huy hiện đang là CEO của công ty Puramu. Với niềm đam mê lập trình từ sớm, mình đã nghiên cứu và tự học lập trình từ năm 2016. Sau nhiều năm làm việc, mình đã thực hiện các dự án website với nhiều mục đích khác nhau như: tin tức, giới thiệu, booking, thương mại điện tử hay các ứng dụng web. Hy vọng những kiến thức và trải nghiệm mình chia sẻ trên website này sẽ giúp ích cho nhiều bạn.

Bài viết liên quan

Cách ẩn địa chỉ IP trên máy tính, điện thoại

Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, thông tin cá nhân của bạn càng có nguy cơ dễ bị lộ. Các tổ chức hoặc một cá nhân nào đó…

Cách ẩn địa chỉ IP
Cập nhật lần cuối:
Load Balancing là gì? Các thuật toán cân bằng tải

Thông báo “server không thể phản hồi” là tình trạng khiến các chủ website đau đầu, khách hàng thì thất vọng, có thể không quay lại website của bạn nữa…

Load balancing là gì?
Cập nhật lần cuối:
Địa chỉ website là gì? Các yếu tố tạo nên địa chỉ website

Địa chỉ website là thứ không thể thiếu trong khâu chuẩn bị làm website. Nhưng địa chỉ website là gì? Tại sao bạn lại cần nó? Bài viết này sẽ phần nào…

Địa chỉ website là gì?
Cập nhật lần cuối:
Cách chỉnh sửa URL trong WordPress

Bạn băn khoăn không biết thay đổi URL trang web WordPress được không? Cách chỉnh sửa URL trong WordPress không ảnh hưởng đến website hiện tại…

Chỉnh sửa url trong web WordPress
Cập nhật lần cuối: